Lúa là cây trồng chủ lực tại các huyện Đồng Tháp Mười của Long An, các địa phương và người dân ở đây luôn chú trọng sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị thương mại, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường.
Để lúa hàng hóa đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, các địa phương vận động người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Như huyện Tân Hưng xây dựng kế hoạch đến năm 2020 có 4.500ha lúa ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện đều đó, ngoài việc tuyên truyền, huyện còn phối hợp với ngành nông nghiệp trình diễn các mô hình để người dân thấy được hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao và tin tưởng. Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh là một minh chứng.
Anh Ngưu, một xã viên phấn khởi cho biết: “Khi tham gia chương trình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, tuy chi phí ban đầu có cao hơn, nhưng bù lại, giá lúa làm theo quy trình này bán được giá, cho nên lãi nhiều hơn trước”.
Cũng theo anh Ngưu, cái được nhất không chỉ là lợi nhuận tăng mà gia đình còn được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, thu hoạch lúa…
Năm 2013, HTX Gò Gòn bắt tay thực hiện mô hình cánh đồng lớn theo liên kết “4 nhà”, sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm.
HTX khuyến khích các xã viên ứng dụng công nghệ trong sản xuất, như cày xới san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, áp dụng quy trình “1 phải 6 giảm”… nên tiết kiệm được chi phí, phân bón, giống. Mô hình trình diễn được đánh giá đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình đã thay đổi thói quen, tập tục làm lúa trước đây, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, khoa học hơn. Ông Hoàng Văn Sinh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết: Lợi nhuận thu được của những hộ dân tham gia mô hình từ HTX Gò Gòn, cao hơn so với các hộ bên ngoài. Huyện tiếp tục nhân rộng mô hình gắn với liên kết “4 nhà”, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng lợi nhuận cho người dân, tạo thương hiệu lúa của địa phương.
Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Lê Văn Hoàng cho biết: Để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, tỉnh Long An đã xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Mục tiêu là giúp nhà nông giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập, phát triển ổn định và thân thiện với môi trường. Ngoài các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở vùng Đồng Tháp Mười, hiện tại tỉnh còn một số mô hình ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước…
Theo ông Lê Văn Hoàng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới trước tình hình nông nghiệp có nhiều biến động như hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu, địa phương sẽ triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.