Anh Tuấn chia sẻ: “Khởi nghiệp từ năm 1996, lúc đầu tôi trồng các loại lan như mokara, vũ nữ, bò cạp trên 1.000m2 đất, nhưng sau 4 năm, tôi thấy chưa hiệu quả lắm. Đến năm 2000, tôi suy nghĩ mình làm kinh tế thì phải tính hiệu quả, làm sao chi phí bỏ ra - từ đất đai đến các khoản đầu tư khác - phải thấp nhất nhưng thu được lợi nhuận cao nhất; đặc biệt, nên làm cái gì người ta ít làm, khó và có thị trường, chắc chắn sẽ thành công. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định chuyển sang chuyên trồng lan cattleya”.
Với một loại cây khó tính như lan cattleya, bài toán hiệu quả kinh tế của anh Tuấn không hề đơn giản. Lúc đầu, anh thử nghiệm rất nhiều loại đất trồng, nào là bột cưa, than củi, xơ dừa…, nhưng có cái thì hiệu quả, có cái bị mất trắng. Sau đó, anh Tuấn lặn lội qua Thái Lan học hỏi kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra. Chính cách làm ở đây đã giúp anh thu được nhiều kinh nghiệm, từ xử lý đất trồng đến cây giống, chế độ tưới, đóng gói bao bì… để về áp dụng cho vườn lan của gia đình.
Anh Tuấn tâm sự: “Trồng lan đã khó, bán được lan càng khó hơn, bởi bản thân mình chưa có tên tuổi trong làng hoa lan. Vì thế, muốn bán được lan, tôi phải đi chào hàng tại các cửa hàng, shop hoa trong và ngoài thành phố. Người ta thấy tôi nhiệt tình và chất lượng lan tốt, giá cả lại phải chăng, nên họ đã chấp nhận”.
Hiện tại, vườn nhà anh Tuấn có hơn 10.000 cây lan cattleya với nhiều loại giống mới, lai tạo. Trung bình, mỗi tháng anh xuất giống cho các nông dân, nghệ nhân, công ty trong TPHCM và các tỉnh khoảng từ 200 - 300 chậu, giá bình quân khoảng 150.000 - 200.000 đồng/chậu. Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh Tuấn còn phối hợp với Viện Nghiên cứu sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) nhân giống hoa lan cattleya lai mới cho hoa màu sắc đẹp, đa dạng, được nhiều nghệ nhân, chuyên gia đánh giá cao… Không giấu nghề, anh Tuấn rất nhiệt tình tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng lan ở địa phương khi có yêu cầu.
Để có được những kết quả trên, anh tâm sự mình đã may mắn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông, Phòng Kinh tế và Hội Nông dân quận 9, giúp anh có điều kiện tham quan, học tập tại Thái Lan, Đài Loan…
Những chuyến đi đầy bổ ích đó đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm để chăm sóc vườn lan của mình đạt hiệu quả kinh tế cao. Với kết quả trên, anh được Hội Hoa lan cây cảnh TPHCM cấp giấy chứng nhận Nghệ nhân; nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng có giá trị từ các cuộc thi ở Hội hoa xuân, Hội thi hoa lan cây cảnh...
Quận 9 đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, đất đai, ruộng vườn bị thu hẹp dần, bà con nông dân chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị là điều phù hợp. Theo anh Tuấn, việc trồng và chăm sóc hoa lan cây kiểng không khó lắm. Nếu có sự đam mê và biết nắm bắt thị trường, đây là nghề sẽ đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống, qua đó góp phần tạo mảng xanh đô thị, làm đẹp không gian chung cho thành phố.