Ngoài không gian rộng lớn khắc họa hình ảnh mẹ Thứ, còn có một không gian ấm áp và đầy xúc động được đặt trong lòng tượng đài.
Đoàn cán bộ nước bạn Lào tham quan bảo tàng
Đến đây, khách tham quan không khỏi có nhiều cảm xúc khi được ngắm nhìn những tư liệu, hiện vật, gắn liền với đời sống của các mẹ, các chị; được nghe lại những câu chuyện về sự hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc… Trong không gian trang trọng ấy, những bài ca đi cùng năm tháng được phát nhẹ nhàng, đủ để gợi những cảm xúc thiêng liêng.
Cái cài tóc, chiếc khăn thêu tay do Mẹ VNAH Đoàn Thị Tiến (thôn Quế Xuân 2, xã Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiến tặng cho bảo tàng. Mẹ cũng như bao người mẹ khác, tiễn chồng và 3 người con ra trận rồi, lần lượt chồng, con hy sinh. Chiếc khăn tay là của liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng (con trai mẹ Tiến) là tự tay thêu tặng người con gái anh yêu. Chiếc khăn màu trắng với vài bông hoa nho nhỏ màu vàng như một lời hẹn mùa xuân năm sau sẽ nên duyên vợ chồng…
Nhưng chàng trai trẻ Xã Đội phó xã Quế Xuân ngày ấy đã ra đi mãi ở tuổi 22, bỏ lại lời hẹn ước dở dang. Chiếc khăn được cô gái gìn giữ cẩn thận, sau hòa bình cô mới mang đến và kể cho mẹ Tiến nghe. Chiếc khăn trở thành một câu chuyện tình đẹp, xúc động thời chiến… Chiếc giỏ xách của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Biết (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là món đồ dùng để đựng tài liệu, thuốc tây tiếp tế cho bộ đội những năm hoạt động cách mạng. Bình dị như hũ ngoáy trầu - kỷ vật luôn giữ bên mình trong suốt những năm tháng ngồi cảnh giới địch cho cán bộ hoạt động bí mật của mẹ Nguyễn Thị Thứ cũng đã được lưu giữ tại bảo tàng.
Ngoài ra còn nhiều kỷ vật khác như ống tre đựng thư của mẹ Trịnh Thị Quý (quê Quảng Nam); đèn dầu, cối xay bột của liệt sĩ Tô Thị Bông (quê Quảng Ngãi); hay trang ghi chép về cách thức cắt may trang phục, làm mứt của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…
Theo Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH, không gian trưng bày có tổng diện tích 1.800m², phần diện tích trưng bày thường xuyên hơn 1.400m², thiết kế theo 3 chủ đề lớn: Chủ đề ngôi nhà lá của Mẹ Việt Nam trong thời chiến với hàng cau, bụi chuối và lu vại quanh nhà. Giữa không gian ấy, hình ảnh người mẹ già, tay cầm ngọn đèn dầu tự chế, báo hiệu cho du kích nhận biết có địch; chủ đề Mẹ Tổ quốc; chủ đề Mẹ VNAH bất khuất, trung hậu, đảm đang và mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ cũng được khắc họa đầy đủ qua hình ảnh tái hiện sinh động của những hiện vật.
Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý quần thể Tượng đài cho biết: “Mỗi ngày có hơn 600 lượt khách đến tham quan, ngày lễ, khu trưng bày đón hơn 1.000 lượt khách. Không gian này đã thực sự trở thành bảo tàng tổng hợp lưu giữ hình ảnh thân thuộc của các mẹ trên cả nước; là nơi tri ân hơn 123.000 Mẹ VNAH, những người mẹ Việt Nam tiêu biểu trong 2 cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nơi đây trở thành không gian để hiểu rõ hơn về phẩm chất, về chủ nghĩa anh hùng của các mẹ, các chị cũng như xây dựng và phát triển đất nước”.
Để có được không gian trưng bày này, Ban Quản lý quần thể Tượng đài mẹ VNAH đã đi khắp 25 tỉnh thành trên cả nước để sưu tầm, cũng như tiếp nhận những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được hiến tặng.