Ghi nhận xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế trong tháng 1 song theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một trong những dấu hiệu rõ nét cho thấy nền kinh tế đang còn rất khó khăn là sức mua của thị trường, cả trong nước và nước ngoài vẫn còn yếu, ngay cả trong tháng giáp Tết Nguyên đán 2024, khi mà cầu nội địa thường tăng mạnh theo quy luật.
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 chỉ tăng 0,31% so với tháng trước làm giảm nỗi lo lạm phát nhưng nhìn từ khía cạnh khác thì thấy sức mua của thị trường vẫn đang ở mức thấp”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định. Số liệu từ Tổng cục Thống kê khẳng định nhận định này. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023; thấp hơn giai đoạn cận tết các năm từ năm 2020 đến nay. Dù người tiêu dùng Việt Nam thường được coi là khá lạc quan, song tâm lý thận trọng trong chi tiêu đang tác động khá rõ đến thị trường.
Theo một nghiên cứu do UOB Việt Nam công bố cuối năm 2023, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người bày tỏ lo lắng về vấn đề tài chính. Trong khi đó, hồi tháng 1 vừa qua, HSBC đưa ra dự báo nhu cầu bên ngoài cũng chưa thể phục hồi mạnh. Có nhiều cơ sở cho dự báo này, một phần do sức mua yếu, thêm vào đó là khó khăn trong logistics do tác động của các cuộc xung đột ở Nga - Ukraine, Israel - Hamas và đặc biệt là xung đột ở Biển Đỏ mới đây.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có chung khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm phục hồi kinh tế, bao gồm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội đã thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, đồng thời cho phép kéo dài thực hiện gói đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024. Đây là những giải pháp hết sức đúng đắn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn (số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao kỷ lục), cần có nhiều giải pháp bổ sung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… để điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tiếp thị cho phù hợp; nghiên cứu tận dụng cam kết tại các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết. Đối với thị trường trong nước, đây chính là thời điểm mà doanh nghiệp cần vận dụng sáng tạo để tiết giảm chi phí sản xuất, thiết kế những sản phẩm, dịch vụ theo hướng thiết thực hơn, tiết kiệm hơn… đồng thời có chính sách khéo léo để khuyến mãi, kích cầu. Cái khó rất có thể sẽ làm ló cái khôn thay vì “bó” lại.