Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì hội nghị với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4-2023 |
Thời gian qua, bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, đã khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%). Nửa đầu tháng 4-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 26 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc chỉ đạt trên 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng đại diện Bộ Công thương cho rằng, xét trong bối cảnh thương mại khó khăn, sụt giảm chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý 1-2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực và đa dạng mặt hàng của Việt Nam.
Xuất khẩu sụt giảm, đang rất khó khăn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc và luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
Bộ trưởng đánh giá, Trung Quốc có chung đường biên giới, cả trên bộ và trên biển và thậm chí là đường hàng không với Việt Nam. Trung Quốc có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ ngàn đời nay. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với chúng ta và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc, RCEP... Như vậy, chúng ta khẳng định rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là ưu tiên trong chính sách thương mại.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, cần lưu ý Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào thì người Trung Quốc cũng chấp nhận. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hóa của chúng ta cũng đối diện với sự cạnh tranh.
Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin: Thời gian qua, hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng là nhân tố quan trọng đóng góp cho quan hệ song phương. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, dẫn đến nhiều khó khăn trong duy trì kim ngạch thương mại hai bên.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, trong quý 1-2023, tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khó khăn, suy giảm 5%. Tuy nhiên so với các đối tác khác, suy giảm của Việt Nam ở mức nhẹ.
Khả năng phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng khi thị trường này mở cửa trở lại, nội nhu cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết.