Trồng dâu tằm gắn với chế biến sản phẩm cho thu nhập cao
SGGPO
Mô hình trồng dâu tằm gắn với chế biến các sản phẩm từ quả dâu tằm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân vùng gò đồi huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống.
Tại vùng gò đồi xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) trước đây người dân chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và trồng rừng. Tuy nhiên, sau nhiều năm giá cao su, hồ tiêu xuống thấp, cũng như thường xuyên bị dịch bệnh nên thu nhập của người dân không ổn định.
Vườn dâu tằm trĩu quả vào vụ thu hoạch của người dân xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với một số loại cây ăn quả, cây dược liệu và mô hình chăn nuôi, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc cải tạo diện tích vườn tạp, diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như dâu tằm, ổi, sầu riêng, cây an xoa, chè vằng… bước đầu cho hiệu quả rõ rệt.
Bà Hồ Thị Lan (ở tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành) cho biết, vào vụ, trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng thu hoạch được khoảng 50kg dâu tằm tươi và bán với giá 30 đến 35 nghìn đồng/kg
Với diện tích hơn 1ha, trong nhiều năm qua ông Trần Văn Quốc (thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) đã mạnh dạn trồng chuyên canh hơn 1.000 gốc cây dâu tằm. “Cây dâu tằm phù hợp với đất đai, điều kiện khí hậu của địa phương, cũng không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây bản địa trước đây, sản lượng bình quân đạt 4-5 tấn quả/ha”, ông Quốc cho biết.
Mỗi năm dâu tằm cho hai vụ quả, chính vụ từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, trái vụ từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch
Nhằm nâng cao giá trị từ dâu tằm, ngoài việc bán quả tươi, gia đình ông Quốc đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị và tìm tòi, học hỏi để chế biến các sản phẩm khác từ quả dâu tằm như siro, rượu vang. “Mỗi năm gia đình chế biến được từ 900 – 1.200 lít rượu vang, siro, sản phẩm hoàn toàn, lên men tự nhiên, không dùng các phụ phẩm nên được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Mỗi năm bán được khoảng 100 triệu đồng”, ông Quốc cho biết thêm.
Cây dâu thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên cho quả dâu tằm có hình thức đẹp, to, bóng, mọng nước, vị ngọt thanh
Sau khi thu hoạch, dâu tằm được đóng gói để bán cho người dân trên địa bàn tỉnh và chuyển đi các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, những năm gần đây việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá bán cũng giảm hơn so với trước đây
Được biết, ngoài mô hình trồng dâu tằm, trên địa bàn xã Cam Thành còn nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với chế biến sản phẩm hiệu quả như mô hình trồng cây dược liệu, trong đó cây an xoa với gần 2ha, chè vằng hơn 10ha và một số cây dược liệu khác dùng làm nguyên liệu chế biến cao dược liệu.
Ông Trần Văn Quốc đầu tư máy móc để làm các sản phẩm từ quả dâu tằm như rượu vang, siro
Ông Lê Anh Chương, Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho hay, trong những năm qua xã đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Toàn xã hiện có gần 10ha với khoảng 20 hộ gia đình trồng dâu tằm, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm từ quả dâu tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả thu được từ các mô hình, giúp người dân tự nâng cao đời sống cho gia đình, tạo ra nguồn lực kinh tế đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng gò đồi trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới.