Chỉ tính riêng từ năm học 2013-2014 đến nay, TPHCM đã tăng thêm 193.250 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học tập không ngừng tăng cao đó, hàng năm các quận, huyện đều dồn sức xây trường.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có 310 trường học mới được đưa vào sử dụng ở 24 quận - huyện, bình quân mỗi năm TP tăng thêm 62 trường. Tuy nhiên, trong cuộc đua chạy theo số lượng đó, sĩ số học sinh/lớp ở nhiều quận - huyện chẳng những không hề giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng.
Mục tiêu 100% học sinh tiểu học và 65% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày vào năm 2020 ngày càng khó thực hiện. Cụ thể, ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày toàn TP hiện nay mới đạt 69,6%. Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp dưới 50%, như Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, quận 12, Gò Vấp…
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong ngày tựu trường năm học 2017-2018
Lý do được nhiều quận - huyện đưa ra là trường lớp xây không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Để “không một trẻ em nào đang cư trú trên địa bàn TPHCM không được đến trường” theo chủ trương chung của UBND TP, nhiều trường học đã chấp nhận “hy sinh” sĩ số.
Mục tiêu xây dựng trường học theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế (tiêu chuẩn lớp học không quá 35 học sinh/lớp) trở thành giấc mơ vượt xa tầm với.
Vừa qua, đã có trường mầm non ở một quận ven xin rút tên khỏi danh sách trường triển khai mô hình tiên tiến trong năm học 2017-2018 (mặc dù đã có kế hoạch phê duyệt trước đó của UBND TPHCM) vì không bảo đảm được vấn đề sĩ số.
Thậm chí, nhiều nơi có đơn vị giáo dục đạt chất lượng rất tốt, đáp ứng tất cả tiêu chí về phòng ốc, trình độ giáo viên, được sự đồng thuận cao của xã hội, nhưng không thể triển khai mô hình tiên tiến do chịu áp lực cao về sĩ số.
Nói như chia sẻ của hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1, làm tròn trách nhiệm xã hội là rất khó, trường đông, người dạy và người học đều “đuối”.
Nếu chọn con đường tiên tiến, trò sẽ ít, thầy cô dễ áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới, sáng tạo, nhưng sẽ dồn áp lực tuyển sinh cho các trường khác trong cùng khu vực, thậm chí xảy ra tình trạng thiếu chỗ học cục bộ ở một số nơi tập trung đông dân cư.
Qua đó cho thấy, áp lực phân bổ như chiếc vòng kim cô đang kìm hãm, ghì chặt mọi nỗ lực cải tiến chất lượng giáo dục của TPHCM. Nếu không có một đề án phát triển tổng thể, trong đó có sự liên kết, tổng hòa giữa các mối quan hệ xã hội, chất lượng, tài chính, thì mọi nỗ lực phát triển có nguy cơ “giật gấu vá vai”.
Chính vì lẽ đó, xã hội đang rất trông chờ Đề án “Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo TPHCM đến năm 2030” sớm được triển khai. Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt về điều kiện, phát triển đúng đắn theo lộ trình thì hiệu quả mới bền vững, lâu dài.