Thông tư có hiệu lực từ ngày 7-9-2021. Nội dung của Thông tư 14 khá chi tiết và thể hiện rõ tính nhân văn trong hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vay tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, không ít ngân hàng vẫn chưa áp dụng và điều này ít nhiều gây bức xúc trong dư luận.
Ông Bùi Vạn Định, 65 tuổi, ngụ phường 1, quận Phú Nhuận, cho biết: “Tháng 9-2018, tôi vay Ngân hàng VIB, chi nhánh Tân Bình, TPHCM số tiền 1 tỷ đồng. Hàng tháng, tôi đều nộp tiền trước thời hạn. Tôi rất phấn khởi với Thông tư 14 và tạm dừng đóng tiền từ tháng 8-2021 để chờ cứu xét. Ngay khi thành phố mở rộng giãn cách xã hội, tháng 10-2021, tôi chính thức nộp đơn đề nghị Ngân hàng VIB cứu xét. Ngân hàng đã không xem xét, không ý kiến và trả lại nguyên trạng đơn đề nghị của tôi. Ngoài việc yêu cầu tôi chứng minh bằng văn bản bị thiệt hại do đại dịch, liên tục nhiều ngày qua, ngân hàng đã cử nhân viên đến tận nhà thu hồi nợ và buộc tôi đóng tiền phạt vì trễ hạn. Càng bức xúc hơn, cuối tháng 11-2021, tôi nhận văn bản chính thức từ Phòng thu hồi nợ trực tiếp miền Nam cảnh báo xử lý tài sản bảo đảm!”.
Để đảm bảo quyền lợi, ngoài việc đòi nợ liên tục, gây áp lực, nhân viên Ngân hàng VIB còn “tư vấn” ông Định chính sách đảo nợ, cho vay lại và thậm chí là định giá lại tài sản thế chấp. Trong khi hợp đồng vay tiền, định giá tài sản đã được thực hiện và có giá trị đến năm 2026, thời hạn trả hết nợ ngân hàng. Với việc đóng tiền vay đúng thời hạn trong thời gian dài, rõ ràng ông Định đã ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Việc chờ đợi xem xét giải quyết theo Thông tư 14 đã vô tình khiến cho ông Định thành “con nợ khó đòi”. Vụ việc không đến nổi căng thẳng, nếu Ngân hàng VIB chấp hành và triển khai Thông tư 14 để chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình trong đại dịch.