Album Hồn Việt có 14 bài hát, được anh sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc dân gian đa dạng. Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: “Ba tôi là nhà giáo, ông rất thích nghe sử ca. Khi tôi có ý định sáng tác ca khúc âm nhạc lịch sử, ông đã chuẩn bị sẵn cho tôi cuốn sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim với những điểm nhấn thông tin lịch sử cần thiết được tô đậm bằng bút dạ quang. Tôi đi làm về khuya, nhìn thấy và cảm nhận được tâm ý của ba dành cho mình, vậy là tôi bắt tay sáng tác trong 5 giờ liên tục thì hoàn thành tác phẩm Truyền thuyết Cổ Loa”.
Album được đặt tên Hồn Việt vì mang tính bao quát, mở rộng, giúp nam nhạc sĩ có thể đưa vào đó nhiều bài hát về văn hóa tuyền thống của dân tộc, các ca dao tục ngữ, yếu tố 3 miền… Ví như ca khúc Tiếng Việt tuy không liên quan cụ thể đến các ca khúc lịch sử, nhưng nhạc sĩ Hoài An vẫn đưa vào album vì tiếng Việt và văn hóa Việt mang tính truyền thống tinh thần, luôn đi cùng với lịch sử, huyền sử, cổ tích dân tộc.
Tuy nhiên, khi bắt tay sáng tác những ca khúc sử Việt, anh cũng gặp nhiều cái khó. Khó khăn đến từ lời bài hát và chi tiết lịch sử, khi đưa vào tác phẩm phải như thế nào cho tương đối, có độ chính xác nhất định. Đặt bút viết phải cẩn thận, chắt lọc từ ngữ để bài hát vừa thể hiện được tính trang trọng, hào hùng của lịch sử, vừa có thể giúp người nghe dễ hiểu, dễ cảm. Chưa kể, cái khó của một bài hát lịch sử khi ra đời là làm thế nào để tiếp cận khán giả, để khán giả đón nhận.
Nhạc sĩ Hoài An tâm sự: “Cũng có nhiều nghi ngại đối với việc sáng tác ca khúc lịch sử làm sao có thể lan tỏa, khán giả chọn nghe. Tôi tin rằng mình cố gắng hết sức trong sáng tác để các ca khúc không bị trùng lắp về ý tưởng, âm nhạc, có sự tươi mới, gần gũi và khác biệt, thể hiện được bản sắc dân gian dân tộc truyền thống, để giúp người nghe có thể cảm nhận được hiệu quả nhất”.