Theo kế hoạch của Chính phủ Australia, trước mắt, 170.000 cây xanh sẽ được trồng ở thành phố Sydney. Các kiến trúc sư hy vọng dự án sẽ giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, tăng độ che phủ tại các khu dân cư và mang lại cuộc sống lành mạnh hơn cho mọi người.
Ngoài ra, Sydney mong đợi sẽ thấy 40% khu vực đô thị được bao phủ bởi cây xanh vào năm 2050. Australia cũng nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một cơ hội để thiết kế lại cơ sở hạ tầng xanh - một phần của chương trình phục hồi. Thủ tướng Australia Scott Morrison thừa nhận việc trồng thêm 1 tỷ cây xanh trong vòng hơn 30 năm tới là một thách thức lớn. Tuy vậy, hiệu quả mang lại có thể giúp nước này cắt giảm 18 triệu tấn khí thải nhà kính/năm trước 2030.
Australia trải qua năm 2019 nóng và khô hạn nhất lịch sử. Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng chỉ một hành động đơn giản là trồng thêm nhiều cây xanh có thể giúp “hạ nhiệt” cho các thành phố. TS Tony Matthews, giảng viên cao cấp của Đại học Griffith, cho biết: “Trồng thêm nhiều cây xanh và mái nhà xanh trong các không gian đô thị có thể giúp giảm nhiệt độ bề mặt lên đến 40%”. Một sáng kiến quốc gia mang tên Greener Spaces Better Places đã tập hợp các chuyên gia học thuật, cơ quan chính phủ và ngành kỹ nghệ nhằm tăng cường các mảng xanh.
Nghiên cứu của nhóm cho thấy nhựa đường và các mái nhà màu tối đã tạo nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, hấp thụ và tỏa nhiệt trở lại, khiến cho nhiệt độ mặt đất có thể tăng lên đến 55oC vào những ngày nắng. Mảng xanh tại một số khu vực có thể mất đi vì những ngôi nhà ngày một lớn hơn và đất vườn thu hẹp lại, trong khi ở những nơi khác cháy rừng và hạn hán tàn phá những thảm thực vật lớn.
Việc tăng cường sự đa dạng của cây xanh trong các thành phố khá quan trọng nhằm bảo đảm rằng cảnh quan đô thị có thể đương đầu với các thử thách của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và sâu bệnh. Theo Reuters, thành phố Melbourne cam kết tăng độ che phủ của cây từ 22% lên 40% trước năm 2040 nhằm giảm bớt những tác hại đối với sức khỏe.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, trồng cây phải đi đôi với trồng người. Theo ông Marco Amati, Phó giáo sư về quy hoạch quốc tế thuộc Đại học RMIT, chính phủ cần đưa ra một chiến dịch nhằm giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của cây xanh. Bà Leigh Staas, quản lý dự án Which Plant Where - một công trình nghiên cứu kéo dài 5 năm nhằm tìm hiểu cách thực vật ứng phó với những môi trường khắc nghiệt - kêu gọi tăng cường độ che phủ cây xanh trong các đô thị nhưng phải trau dồi sự hiểu biết về các loài thực vật để chọn đúng loại cây vì nếu không, cây trồng không thể chịu đựng điều kiện sống mới và bị chết khiến mất nhiều chi phí cơ hội hơn.
Bà Julie Arrighi, cố vấn khí hậu của Hội Chữ thập đỏ, lại cho rằng thách thức lớn nhất không phải là chi phí trồng cây mà là chi phí chăm sóc.