Chăm sóc bưởi bằng tỏi và ớt
Vườn bưởi da xanh 4ha của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (ấp 1, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) hiện được xem là một điểm sáng trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Năm 2016, ông Thanh bắt đầu cày bừa kỹ đất trồng, phơi khô để tiêu diệt nguồn sâu bệnh có hại cho đất, lên líp để đảm bảo việc thoát nước tốt cho vườn vào mùa mưa.
Đồng thời, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Trong quá trình canh tác, ông Thanh chủ yếu kết hợp phân hữu cơ ủ hoai mục, phân cá, phân trùn quế, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trường hợp phát hiện sâu bệnh, gây hại cần phải phun xịt, chủ vườn chỉ sử dụng thuốc thảo mộc hoặc các loại vi sinh để phòng trừ như dùng tỏi, ớt ngâm với rượu để phun xịt.
Năm 2019 là năm đầu tiên của vụ thu hoạch, ông Thanh thu được khoảng 10 tấn bưởi/ha với giá bán 30.000 đồng/kg, mang về 300 triệu đồng; dự kiến năm 2020 năng suất ước đạt 20 tấn/ha. Bưởi da xanh của gia đình ông Thanh có chất lượng cao, hương vị đậm đà, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản được lâu nên thương lái và người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Cách đây 5 năm, ông Lê Văn Trí, ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 8.000m² trồng lúa sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Hàng ngày, nhờ hệ thống mương bao quanh, ông Trí sử dụng vòi bơm để xịt lên cây, nhờ đó các loại côn trùng, sâu gây hại rơi xuống, tạo thêm nguồn thức ăn cho cá, lại đảm bảo cho cây không bị sâu bệnh hại. Nhờ sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ an toàn, nên đầu ra của trang trại khá ổn định và luôn cao hơn giá các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Hiện giá bưởi da xanh của ông Trí được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá khoảng 50.000 đồng/kg, song trang trại không đủ nguồn hàng để cung ứng.
Hướng tới sự bền vững
Theo thống kê, Đồng Nai hiện có khoảng 5.000ha bưởi với sản lượng đạt 15.000 tấn/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Vĩnh Cửu với diện tích khoảng hơn 1.000ha, huyện Trảng Bom hơn 1.000ha, huyện Tân Phú với diện tích 1.400ha... Mặc dù bước đầu các nhà vườn trồng bưởi da xanh cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác, nhưng nhiều hộ do thiếu kinh nghiệm canh tác, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh thị trường yếu, khâu liên kết yếu nên sản phẩm làm ra dễ bị tư thương ép giá.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở KH-CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở huyện Trảng Bom”. Còn tại huyện Long Thành, năm 2018, Phòng Kinh tế huyện Long Thành phối hợp với Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp tổ chức lớp dạy sơ cấp nghề trồng bưởi da xanh tại xã Bàu Cạn, cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi. Các học viên còn được tham quan mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ của Công ty THHH Bưởi da xanh Thanh Thủy tại tỉnh Bình Dương, học tập những kinh nghiệm của chủ trang trại trong sản xuất bưởi hữu cơ để ứng dụng trên vườn của mình.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong đó tiêu biểu nhất là mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2 - 2 tỷ đồng/ha và mô hình sản xuất nông nghiệp này hiện đang được chính quyền Đồng Nai quan tâm, khích lệ, tuyên truyền nhân rộng để góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng, thực hiện tốt bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.