Trong 10 năm đã xã hội hóa 33.000 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp, phòng công vụ cho giáo viên

Sáng 25-10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên
Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành. Việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo số liệu thống kê năm 2013, cả nước chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước chỉ là 47,7% (vùng Tây Bắc chỉ khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung bộ chỉ khoảng 32,8%). Cấp tiểu học, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước cũng chỉ là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%).

2.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 83%, tăng 35,3% so với năm 2013.

Mặc dù vậy, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL, tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước.

Về nhà công vụ cho giáo viên, trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng. Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa và nhà công vụ cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Bộ GD-ĐT nhận định, quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt. Trong đó, xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương.

Cụ thể, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội trong 10 năm với khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm khoảng 1.300 phòng.

Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.

Bộ GD-ĐT đánh giá, việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7-2023, cấp học mầm non có 56,9% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; THPT có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia… Khắp mọi miền đất nước ở đâu cũng có thể gặp những công trình trường lớp học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, với cách thức, mô hình hết sức phong phú, đa dạng.

Ngoài các tập đoàn, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang như công an, quân đội tại các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… đã không chỉ huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, mà còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học kiên cố.

Các hộ gia đình và cá nhân cũng đã tích cực quyên góp kinh phí, đồng thời hiến tặng hàng trăm ha đất để mở rộng trường lớp, cả ở khu vực đô thị và miền núi. Tiêu biểu như gia đình Bác sĩ Trương Minh Tuyết và thầy Trần Đình Chiến đã tài trợ 86 tỷ đồng để xây dựng Trường THCS Trương Minh Bạch (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); hộ gia đình ông Trần Văn Dần, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng và mua sắm thiết bị dạy học…

Bộ GD-ĐT cho rằng, trong các năm tiếp theo, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Bộ GD-ĐT đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, gồm: tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm.

Tin cùng chuyên mục