Theo báo cáo, trong 10 năm thực hiện phong trào, việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được Đoàn Thanh niên các cấp chú trọng, thực hiện ngay từ những ngày đầu triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Trung ương Đoàn đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các đoàn trực thuộc tham gia xây dựng nông thôn mới, tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn ở các tỉnh chỉ đạo điểm; triển khai thực hiện 12 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn, 270 cầu giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Nhiều tỉnh, thành đoàn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới chuyên đảm nhận các nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Kết quả, Đoàn Thanh niên các cấp đã làm mới 10.814km đường giao thông nông thôn; thắp sáng 94.945km đường giao thông nông thôn; trồng hoa, cây xanh tại 4.466 tuyến đường; xây mới 2.116 cầu nông thôn; xóa 12.516 nhà tạm, nhà dột nát.
Hoạt động bảo vệ môi trường được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên tại các địa phương tích cực tham gia, với các hoạt động: tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch; triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Hạnh phúc xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Đường hoa thanh niên”, “Con đường bích họa”, cải tạo các lốp xe ô tô cũ làm bồn hoa, sân chơi cho thiếu nhi, ra quân làm sạch bờ biển; trồng cây xanh, trồng hoa ven đường; trồng rừng, trồng cây ăn quả; vệ sinh đường làng, ngõ xóm…
Triển khai thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, Trung ương Đoàn đã thí điểm triển khai xây dựng 33 mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã tại 7 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bến Tre.
Các đội hình đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường tới đoàn viên, thanh niên và người dân; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường định kỳ tại các địa phương; xây dựng các mô hình đường hoa thanh niên, tuyến đường thanh niên xanh - sạch - đẹp…
Đặc biệt trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành đoàn đã tổ chức phát động đoàn viên, thanh niên tham gia chống hạn hán và xâm nhập mặn; tổ chức Chương trình “Nước ngọt nghĩa tình” hỗ trợ đồng bào vùng ngập mặn; tổ chức các đội tình nguyện chở nước ngọt cho các gia đình chính sách, người già neo đơn; đào giếng, khoan giếng; vận động nguồn lực trao tặng, xây dựng bể chứa nước ngọt, bể lọc nước bị ô nhiễm thành nước sạch; làm hồ chứa nước tưới; xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm; đắp đập ngăn mặn; đào, lắp đường ống dẫn nước ngọt; thành lập các đội “Thanh niên xung kích phòng chống, khắc phục hạn mặn” …
Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn như: Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.
Cũng theo báo cáo, trong 10 năm qua, công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả, với nhiều giải pháp sáng tạo. Tính đến hết tháng 6-2019, dư nợ của Đoàn Thanh niên qua Chương trình ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt trên 26.587 tỷ đồng, với hơn 2 triệu đoàn viên, thanh niên đã được vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đi học.
Bên cạnh đó, kênh Đoàn Thanh niên quản lý qua hoạt động ủy thác trên 1.979 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm; vốn vay qua kênh Trung ương Đoàn là trên 75 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.511 đoàn viên, thanh niên.