Những thước phim quý
Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, đề án thực hiện công trình này được lên kế hoạch từ năm 2016. Đến tháng 4-2019, Hội Điện ảnh TPHCM được giao nhiệm vụ thực hiện tác phẩm này. Trước khi chính thức bắt tay vào quá trình thực hiện, hội đã thu thập tư liệu, gặp gỡ các nhà cố vấn, nhân chứng, quay phim tư liệu để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Quá trình làm phim bắt đầu từ tháng 6-2019. Tháng 2-2020, dự án được duyệt lần 1 và trong tháng 7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tiếp tục họp hội đồng thẩm định bộ phim. “Từ bản dựng đầu tiên, bản thân hội đã xem xét, đón nhận những góp ý, chỉnh sửa từ hội đồng cấp trên để nâng cao chất lượng. Hội vẫn đang xem xét rất kỹ để rà soát lại các lỗi với mong muốn thực hiện tác phẩm tốt nhất có thể”, bà Dương Cẩm Thúy chia sẻ.
Bộ phim Sài Gòn - TPHCM - 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ gồm 9 tập phim. Tập 1 - Bản Di chúc vĩnh cửu (đạo diễn Nguyễn Mộng Long) điểm lại quá trình Bác Hồ khởi thảo di chúc từ năm 1965, cho đến khi hoàn thành và được công bố trong ngày lễ tang của Bác. Tập 2 - Tiến lên toàn thắng ắt về ta (đạo diễn Nguyễn Việt Bình) điểm lại các dấu mốc lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cho đến ngày miền Nam giải phóng. Tập 3 - Chiến lược trồng người (đạo diễn NSƯT Nguyễn Hoàng) gợi nhớ về những thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc. Tập 4 - Những thành tựu đầu tiên (đạo diễn Phan Huỳnh Trang) nhấn mạnh những thành tựu có dấu ấn cột mốc, làm biến chuyển, thúc đẩy thành phố phát triển đi lên. Tập 5 - Đêm trước đổi mới (đạo diễn Dương Cẩm Thúy) làm rõ những phát kiến năng động, sáng tạo của thành phố trong tình hình khó khăn trước đổi mới. Tập 6 - Chuyện những người xa xứ (đạo diễn Nguyễn Mộng Long) nói về những kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Tập 7 - Thầm lặng (đạo diễn Dương Cẩm Thúy) là những nét chấm phá về những điển hình người tốt, việc tốt phát huy truyền thống nghĩa tình của thành phố mang tên Bác. Tập 8 - Thành phố nghĩa tình (đạo diễn Hồ Thanh Tuấn), chứng minh TPHCM là nơi khởi đầu, phát triển nhiều phong trào quần chúng và mang tính xã hội tích cực. Tập 9 - Khúc hát những công trình (đạo diễn PGS-TS Trần Luân Kim) là bức tranh khái quát về những công trình góp phần đưa thành phố trở nên văn minh, hiện đại...
Cảm xúc đặc biệt
Bộ phim được quay từ Bắc vào Nam với rất nhiều điểm dừng chân: Hà Nội, Cao Bằng, các tỉnh Tây Nguyên, Ninh Thuận, các tỉnh thành phía Nam… Quá trình lựa chọn đạo diễn cũng đòi hỏi những người phù hợp, có kinh nghiệm ở lĩnh vực phim tài liệu.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, đạo diễn Nguyễn Hoàng nói: “Giá trị của bộ phim là chọn đúng người thật, việc thật; nhân vật có câu chuyện mới mẻ và vấn đề hấp dẫn để khán giả thực sự thấu hiểu”. Trong tập phim của mình, đạo diễn Nguyễn Hoàng chọn rất nhiều nhân vật nổi tiếng: Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, PGS-TS Lê Bửu, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới… và cả những nhân vật rất đời thường.
Đạo diễn Hồ Thanh Tuấn thừa nhận là người “ăn nhờ, ở đậu” mảnh đất này nên đây là cơ hội để anh bày tỏ lòng biết ơn Sài Gòn - TPHCM đã cưu mang mình. “Tôi xác định làm với tâm thế cố gắng nhất có thể, bằng tất cả tình cảm, nhiệt huyết để thể hiện tình cảm với Sài Gòn - TPHCM”.
Phim tài liệu Sài Gòn - TPHCM - 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ dự kiến phát sóng vào dịp 19-8 tới đây trên Đài Truyền hình TPHCM cùng nhiều đài truyền hình địa phương. Phim cũng được lên kế hoạch quảng bá sâu rộng, đặc biệt là trong học sinh - sinh viên, các khu chế xuất - khu công nghiệp, bộ đội, làm quà tặng cho các địa phương…