Quyết định cho dừng tất cả các sự kiện, giải đấu thể thao dự kiến tổ chức trong tháng 2 từ Tổng cục TDTT để phòng ngừa dịch nCoV khiến hoạt động của ngành ngưng trệ, nhiều đội tuyển tạm thời dừng tập luyện, không ít đội tuyển khác bị “đóng băng” ở các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và điều đó tác động không hề nhỏ đến sự chuẩn bị của các VĐV thuộc nhóm trọng điểm săn tìm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 với mục tiêu dự kiến 20 suất chính thức.
Những sự kiện tôn vinh và có quy mô lớn như Gala trao giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức cũng đã phải tạm hoãn theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như yêu cầu từ Bộ VH-TT-DL. Đấy là ở trong nước, với hệ thống thi đấu quốc tế mà thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ tham dự, thì không chỉ có các sự kiện dự kiến tổ chức tại Trung Quốc như giải vô địch điền kinh trong nhà thế giới, vòng loại Olympic các môn boxing, vật, taekwondo… mà rất nhiều giải đấu khác của châu lục tổ chức tại một số quốc gia cũng đều phải tạm hoãn nếu có sự tham gia của các VĐV Trung Quốc.
Hoạt động thi đấu ngưng trệ, việc tập luyện cũng vô cùng nan giải. Lâu nay, TTVN vẫn thường xuyên sử dụng chuyên gia Trung Quốc ở các môn Olympic. Ví dụ như trường hợp của VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng, hiện không có sự dẫn dắt của chuyên gia Trung Quốc do HLV Hoàng Quốc Huy (Huang Guohui) về nước và chưa thể trở lại được. Kế hoạch đưa nhà vô địch SEA Games sang nước bạn tập huấn chuẩn bị cho Olympic cũng chưa biết khi nào mới có thể tiến hành.
Trung Quốc luôn là điểm tập huấn gần như quen thuộc, được ưu tiên của các đội tuyển thể thao Việt Nam trước những sự kiện lớn, nhưng ở thời điểm này, giới chức thể thao trở nên bối rối khi “vỡ” chương trình tập huấn nước ngoài, trong khi quỹ thời gian ngày càng cạn dần. Trước mắt, Tổng cục TDTT phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch năm, cũng đồng nghĩa với việc duyệt thêm kinh phí để đưa một số VĐV trọng điểm sang tận châu Âu thi đấu các giải có tính thành tích vòng loại Olympic để giúp họ tích lũy điểm số và tranh đoạt vé đến Tokyo 2020. Các chuyến tập huấn dự kiến sang Trung Quốc cũng sẽ phải đổi địa điểm, lại thêm chi phí bỏ ra mà chưa thể khẳng định liệu có tốt hơn hay không do các VĐV đã quen với môi trường tập huấn cũ.
Đảo lộn kế hoạch vì dịch bệnh cũng có 2 mặt của vấn đề. Đầu tiên, nó bộc lộ điểm yếu muôn thuở của TTVN là sự bất cập về điều kiện tập luyện, tập huấn trong nước cũng như phụ thuộc quá nhiều vào những hỗ trợ từ thể thao Trung Quốc. Có nhiều môn thể thao, hàng năm đều ghi nhận là “tập huấn nước ngoài” nghe rất kêu nhưng kỳ thực chỉ là một chuyến di chuyển ngắn sang bên kia biên giới để đổi khí hậu. Với cách làm việc theo kiểu “đến hẹn lại lên”, ngân sách có hạn, con người không đổi mới, các suất dự Olympic vẫn cứ phải đong đếm theo thời gian khi trình độ của VĐV chưa “vượt ngưỡng”, nên khi xảy ra sự cố nghiêm trọng như lần này, mọi toan tính trước đó của các nhà quản lý có khả năng đổ bể hoặc chậm trễ.
Nhưng ở khía cạnh ngược lại, đây cũng là một phép thử cho những người làm thể thao. Khó khăn liên quan đến dịch nCoV tác động lớn đến thể thao châu Á chứ không riêng gì Việt Nam. Khó ta - khó người, cũng chẳng thể làm gì khác, trách nhiệm của ngành thể thao là vẫn phải bảo đảm mục tiêu có 20 suất dự Olympic đã đề ra chứ không phải lấy lý do bất khả kháng để giảm chỉ tiêu. Hiện ngành thể thao đang chuyển sang phương án “chọn giải thi đấu thay cho tập huấn” dành cho những môn vốn có kế hoạch sang Trung Quốc rèn luyện. Đây là lựa chọn không tồi, nhưng nó liên quan đến yếu tố kinh phí di chuyển và lệ phí tham gia, vốn là điểm yếu bấy lâu nay của TTVN. Thêm một thách thức cho sự năng động của người làm thể thao nước nhà vốn quen sống với ngân sách được duyệt và thiếu sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài.
Cuối cùng, vẫn là bài toán cũ: Làm sao để nền thể thao nội địa tiến lên chuyên nghiệp, qua đó tránh sự lệ thuộc vào những chuyên gia, địa điểm từ thể thao Trung Quốc cũng như tăng cường thời gian thi đấu theo kiểu “săn tiền thưởng” ở nhiều nơi trên thế giới, vừa giúp VĐV tích lũy kinh nghiệm, giảm tập huấn dài hạn và tiết kiệm ngân sách thể thao nói chung.