(SGGP 12G).- Gần đây, nhiều nông dân ở ĐBSCL luôn nơm nớp lo sợ thành quả lao động của mình bị trộm, cướp hoặc tàn phá sạch chỉ trong chốc lát. Đã có hàng loạt vụ trộm, cướp tôm, thuốc cá tra, đốn phá vườn cây ăn trái. Hầu hết người bị hại lâm cảnh trắng tay vẫn không dám mở miệng vì sợ bị trả thù dai… Số vụ được các ngành chức năng phanh phui, xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay!
“Bức tử” vườn cây ăn trái
Nhiều nông dân ở cù lao Minh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang rất lo lắng trước nạn “bọn ác” dọn sạch vườn cây trái chỉ trong một đêm.
Sáng 20-7, khi ra thăm vườn, anh Nguyễn Văn Phong ở ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ “chết đứng” khi thấy toàn bộ 321 cây đu đủ Thái Lan đang chuẩn bị cho trái, 85 cây chôm chôm đường, 15 cây nhãn 2 năm tuổi bị đốn sạch trơn. Anh Phong than thở: “Toàn bộ vốn liếng mà vợ chồng tôi dành dụm trong 10 năm trời đi chở gạch thuê đổ vào đây giờ như công dã tràng. Trước đây, cũng trên mảnh đất này, vườn chanh của tôi cũng từng bị chặt phá một lần”.
Nông dân Bùi Văn Trung có mảnh vườn gần lô đất của anh Phong cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Trung than vãn: “Vườn nhãn da bò đang oằn trái, sắp thu hoạch cả tấn, bị kẻ xấu đốn sạch sau một đêm. Chỉ vài ngày sau, tôi tiếp tục bị đốn thêm 12 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép và đốt luôn căn chòi cùng tất cả vật dụng. Chưa buông tha, khoảng tháng sau vườn của tui lại bị chúng chặt tiếp 13 cây sầu riêng hạt lép trên 7 năm tuổi, đang sai trái… Vợ chồng tôi chỉ biết kêu trời!”. Đến nay đã có gần 10 vụ chặt phá vườn cây của nông dân nhưng đều chưa tìm ra thủ phạm… Nhiều ngày qua, Công an xã Bình Hòa Phước và huyện Long Hồ vào cuộc nhưng chưa tìm ra thủ phạm.
Đầu độc ao cá
Đến nay, sau gần 3 tháng, cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra thủ phạm của vụ thuốc ao cá tra hơn 75 tấn tại Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vào rạng sáng ngày 18-5-2008. Ông Nguyễn Văn Năm, nạn nhân của vụ “tàn phá ác độc” này chưa hết bàng hoàng, kể: Vào thời điểm trên, tôi đang ngủ trong nhà thì nghe cá ngoài ao nhảy rộ bất thường. Tôi chạy ra quan sát thì thấy cá nhảy liên tục và chết nổi trắng mặt nước… Ao cá này hơn 75 tấn; tiền đầu tư con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh và công chăm sóc khoảng 1 tỷ đồng. Gia đình đã hợp đồng bán số cá này với giá 14.600đ/kg, thời điểm giao hàng vào chiều 18-5”.
Đa số các vụ thuốc cá rất khó truy tìm thủ phạm bởi khi xảy ra sự việc thường là đêm khuya. Người nuôi tiếc của nên cứu cá bằng cách bơm thật nhiều nước vào ao nuôi, lùa cá về phía nguồn nước bơm vào để “giải độc”, hạn chế thiệt hại. Khi cơ quan chức năng xuống hiện trường lấy mẫu nước thì nguồn nước nhiễm độc đã bị tháo đi hết, vì vậy không còn chứng cứ để xử lý hay thụ lý vụ việc. Cũng từ lý do trên mà thời gian qua, dù các vụ thuốc cá xảy ra, nhưng việc phá án của cơ quan công an gặp khó khăn, nhiều khi phải tạm gác hồ sơ vụ việc vì thiếu những chứng cứ cần thiết… |
Thế nhưng, ông Năm không phải là nạn nhân đầu tiên của bọn thuốc cá. Những người dân cố cựu ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, vấn nạn đã tồn tại nhiều năm qua. Ban đầu, nạn thuốc cá chủ yếu diễn ra trên địa bàn các xã Thạnh Quới, Thạnh Mỹ. Càng về sau càng lan rộng khắp địa bàn toàn huyện và lan ra nhiều địa phương khác.
Anh N.V.U. - chủ hầm cá ở Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bức xúc: “Ngày xưa, chuyện thuốc cá chỉ là trò phá nhau vì mâu thuẫn vụn vặt trong quan hệ xã hội, xóm giềng. Nhưng vài năm trở lại đây, việc thuốc cá hoặc tung tin sẽ cho cả ao cá “đi họp” lại là chuyện khác. Đấy chính là kiểu ăn cướp, tống tiền trắng trợn”. “Điểm nóng” đầu tiên nảy sinh nạn thuốc cá được nhiều người biết đến là xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.
Từ năm 1997 đến nay ở đây đã xảy ra hàng chục vụ thuốc cá. Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây hoang mang trong dư luận. Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới) trong 10 năm qua đã 2 lần bị kẻ xấu quăng thuốc trừ sâu xuống ao cá khiến hoàn cảnh kinh tế của gia đình suy kiệt. Thương tâm hơn, có những hộ nghèo, vay vốn ngân hàng đầu tư vào ao cá với mong ước đổi đời, thoát kiếp nghèo, thế nhưng những kẻ bất lương vẫn không buông tha.
“Đạo chích” tôm liên tỉnh
Khu vực giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, gần đây xuất hiện những băng trộm tôm rất chuyên nghiệp, hoạt động vô cùng tinh vi, dọn sạch hàng loạt vuông nuôi tôm của nông dân ngay đến lúc thu hoạch. Táo tợn hơn, bọn trộm “lột xác” thành băng cướp khống chế, tấn công, đe dọa cả lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp canh giữ tôm. Nỗi bức xúc của người dân nơi đây đã lên đến đỉnh điểm.
Có người lạ đến nhà, ông N.V.T. ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu tỏ ra dò xét. Khi biết chúng tôi là nhà báo, ông T. nhỏ giọng: Mấy chú thông cảm, nạn trộm tôm căng quá nên dân ở đây ai cũng phải cảnh giác, vì sợ bọn trộm ban ngày cho người ăn mặc đàng hoàng đi nắm tình hình vuông tôm nào sắp thu hoạch để chúng dọn đó mà”. Tại xã này có nhiều người nuôi tôm bị bọn trộm “thu hoạch” trước.
Theo cơ quan công an, danh sách những nơi bị “đạo chích tôm” đến thăm ngày một nhiều. Những nạn nhân này hầu hết đều đầu tư nuôi tôm quy mô lớn, có bảo vệ chuyên nghiệp nhưng vẫn bị vô hiệu hóa. Giám đốc điều hành một công ty nuôi trồng thủy sản quy mô lớn (500ha) tại thị xã Bạc Liêu phản ánh: Chúng tôi là nạn nhân thường xuyên của những nhóm trộm tôm. Nhiều lần đội bảo vệ của công ty phát hiện, bọn trộm quay sang tấn công và khống chế lực lượng bảo vệ. Một lần chúng nhốt anh em bảo vệ vào nhà rồi khóa trái cửa; lần khác một bảo vệ chống cự thì bị chúng dìm xuống ao nuôi tôm sắp chết mới lôi lên....
Cách nay hơn 3 tháng, một nhóm trộm tôm vào trang trại của ông Đ.V.H. (xã Vĩnh Trạch Đông) “thu hoạch” tôm thẻ chân trắng. Ông H. bí mật báo cơ quan chức năng. Đêm sau, lực lượng công an và biên phòng hai tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng phối hợp theo dõi, mật phục bắt gọn 7 trong số 8 tên trộm. Cả 8 tên đều ở xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, trên khắp vùng đồng tôm ở hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng vẫn còn nhiều nhóm trộm tôm chuyên nghiệp chưa bị triệt phá. |
Bình Đại