Trộm cắp táo tợn
Gần 8 giờ sáng, tại khu vực khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1, người xếp hàng đông nườm nượp. Một tay ôm túi xách, một tay cầm sổ khám bệnh, giấy làm xét nghiệm, phiếu thu, chị Võ Diễm (ở đường Tân Hương, quận Tân Phú) theo chồng đang bồng đứa con chưa đầy 3 tuổi, gắng luồn lách trong dòng người chờ đến lượt.
Chị Diễm than: “Thấy con vật vờ chờ đợi khám đã mệt, lại thêm việc cứ luôn phải ngó trước ngó sau giữ tiền, giữ điện thoại vì sợ móc túi. Lần trước, cũng đưa con đi khám, sau một hồi làm thủ tục nhập viện cho con, tôi giật mình phát hiện ví tiền để trong túi xách biến mất. Kẻ gian ra tay nhanh quá. Mình cũng không biết rõ là mất từ lúc nào. Sau đó, phải nhờ người nhà mang tiền chạy lên bệnh viện”.
Mới đây, một bệnh nhân nam lớn tuổi bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10). Ông bị chấn thương sọ não, nứt xương sọ, thủng màng nhĩ, gãy xương vai, xương sườn… Sau khi nhập viện điều trị vài ngày, ông được chuyển xuống khoa, chờ phẫu thuật. Gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, vất vả lắm, vợ và các con mới gom góp được 11 triệu đồng chi phí phẫu thuật.
Vậy mà, ngay đêm hôm trước ngày phẫu thuật, kẻ gian đã lẻn vào khu vực ông nằm, trộm giỏ xách bên trong có toàn bộ số tiền, 2 điện thoại di động cùng nhiều giấy tờ tùy thân. Trước đó, tên này cũng đã trộm giỏ xách của một người đang chăm nuôi người thân gần đó. Người nằm gần đó thấy kẻ gian nhưng không dám la lên. Cảnh sát điều tra Công an quận 10 đã tiếp nhận hồ sơ để điều tra.
Ngày 4-6, khi trộm 2 điện thoại của bệnh nhân tại khoa Sản và khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, một đối tượng thường xuyên trộm cắp tại bệnh viện là Hồ Duy Khánh (33 tuổi, ngụ tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã bị bắt quả tang. Khánh khai nhận thường ra tay lúc rạng sáng hoặc giữa trưa, khi bệnh nhân và người nhà ngủ mê mệt, mất cảnh giác.
Sau mỗi vụ trộm, Khánh lập tức chuyển sang tỉnh thành khác để tránh phát hiện và tiếp tục đến các bệnh viện để trộm cắp tài sản của bệnh nhân. Khánh từng có 3 tiền án với hành vi trộm cắp tại các bệnh viện. Đang có nhiều kẻ gian như Khánh chuyển vào TPHCM để hành nghề tại các bệnh viện.
Xem lại quy trình bảo vệ
Ông Xuân Đài (ngụ phường 1, quận 5) kể: “Tôi thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, nhiều lần thấy cảnh người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân bị mất cắp. Có bà kia chăm sóc con ốm, tới đầu giờ chiều ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì thấy mất điện thoại, bà khóc bù lu bù loa. Có một số kẻ gian trà trộn vào bệnh viện giả bộ bán thẻ điện thoại, vé số, khi thấy điện thoại của bệnh nhân đang cắm sạc ở đầu giường, hoặc để trên giường là lẹ tay hốt luôn. Có kẻ giả danh là người nhà bệnh nhân, thường xuyên ra vào một số phòng xin nước uống, hỏi han để làm quen, nói đang cần tiền gấp đóng cho bệnh viện để mượn tiền, rồi biến mất”.
Không những vậy, bọn chúng còn lập nhóm dàn cảnh đánh vào lòng trắc ẩn để xin tiền, hoặc “xin đểu”. Một chị điều dưỡng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay: “Dù cảnh giác nhưng bệnh nhân và người nhà vẫn bị mất cắp. Cứ vài bữa lại nghe có bệnh nhân bị mất tiền, mất điện thoại. Thậm chí, chính bản thân nhân viên và bác sĩ cũng bị mất cắp mà không tìm được thủ phạm. Thủ đoạn hoạt động của kẻ gian ngày càng tinh vi, mà lực lượng bảo vệ bệnh viện lại mỏng, chưa đủ sức bao quát hết. Bệnh nhân và người nhà nên cảnh giác, không gửi tư trang, vật dụng cá nhân cho người không quen biết”.
Hiện nay, nhằm ngăn ngừa kẻ gian trà trộn để trộm cắp, phần lớn các bệnh viện đã trang bị camera giám sát; dán thông báo nhắc nhở người dân cẩn thận, đồng thời có loa phát thanh kêu gọi mọi người lưu ý giữ gìn tư trang; bố trí nhân viên bảo vệ trực tại các khu vực dễ xảy ra trộm cắp.
Một số bệnh viện quy định đăng ký người nhà bệnh nhân ở lại nuôi bệnh; lập đường dây nóng về an ninh trật tự 24/24 giờ để thông tin tình hình tội phạm; phối hợp cùng công an địa phương tuần tra, kiểm soát tình hình ban đêm tại bệnh viện. Rõ ràng tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở TPHCM đã trở thành môi trường cho đối tượng trộm cắp hành nghề.
Chị Hà My (ngụ quận 9) góp ý: "Các bệnh viện nên xem lại quy trình bảo vệ cũng như hình thức thanh toán chi phí điều trị. Từng đưa người nhà đi bệnh viện nhiều lần, tôi thấy nhiều bệnh viện không chấp nhận thanh toán qua thẻ mà bắt buộc đóng phí tiền mặt. Trong khi đó, nơi đóng tiền rất lộn xộn, lúc nào cũng thấy chen lấn, kẻ gian dễ trà trộn. Bệnh viện nên cho thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử. Đây cũng là một cách để tránh việc người dân giữ quá nhiều tiền mặt trong người khi nuôi bệnh tại bệnh viện, hạn chế nạn trộm cắp".