Những thông số về mức độ “xanh” của bầu trời là thước đo để tính toán xem liệu đến khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 diễn ra vào tháng 8-2008, không khí của thành phố này sẽ bớt ô nhiễm, đủ sạch cho các cuộc thi đấu hay không. Nhưng cho đến nay, dường như chưa thấy tin vui.
“Chỉ số xanh” của môi trường: khiêm tốn!
Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Thế vận hội 2008 tổ chức trong tháng tám tới. Thế nhưng, có ngày, sự u ám và nồng độ axit trong không khí đã lên đến con số bất ngờ là 421 điểm tính trên tỷ lệ 1/500.
Các bác sĩ ở Bắc Kinh đã khuyên người dân nên ở trong nhà nhiều hơn. Nhưng người dân nơi đây đã quá quen với việc hít thở bầu không khí vốn đã ô nhiễm này rồi. Hồi đầu năm 2007, mức độ ô nhiễm của Bắc Kinh từng lên đến đỉnh cao 500 điểm. Đối với các quan chức Bắc Kinh, mức độ ô nhiễm không khí vừa qua - 421 điểm - thật đáng thất vọng, vì thành phố hy vọng sẽ có thể tổ chức ăn mừng thành công trong việc kiểm soát ô nhiễm.
Những năm gần đây, Bắc Kinh đã đều đặn gia tăng được số “ngày có bầu trời xanh sạch”. Đó là những ngày ô nhiễm không khí ở dưới mức 101 điểm. Và năm 2007, thành phố chỉ cần thêm một ngày có bầu không khí “tốt” nữa là có thể đạt được mục tiêu có 245 ngày mức ô nhiễm không khí không vượt mức 101 điểm. Nếu đạt được thành quả này, Bắc Kinh sẽ thành công trong việc làm giảm bớt nỗi lo lắng rằng các vận động viên marathon sẽ phải gắng gượng để thở khi thi đấu ở Thế vận hội 2008.
Nhiều năm qua, Bắc Kinh được xếp vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Để giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympics, Chính phủ Trung Quốc hứa sẽ tổ chức thành công một “Thế vận hội xanh” và cam kết thực thi những sáng kiến về môi trường, mà hiện nay được coi là mô hình mẫu cho các tỉnh thành khác ở Trung Quốc áp dụng.
Nhưng việc làm cho bầu trời trở nên xanh sạch lại không đồng nghĩa với việc công cuộc phát triển thành phố bị kìm hãm. Các quan chức Bắc Kinh còn thúc đẩy thêm quá trình đô thị hóa một cách thái quá. Vì thế những thành tựu đạt được về môi trường trở nên khá khiêm tốn.
Các nỗ lực vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội 2008 của Bắc Kinh cũng làm tăng tốc độ bùng nổ xây dựng của một thành phố vốn đã rất phát triển này. Theo các quan chức thuộc Ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh, tính từ năm 2000 đến cuối năm 2007, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bắc Kinh đã tăng lên tới 144%.
Hầu như tuần nào tại Bắc Kinh cũng có cao ốc văn phòng hoặc cao ốc căn hộ mọc lên. Từ năm 2002, hơn 157 triệu m2 văn phòng và nhà ở đã được khởi công xây dựng, hầu hết không nhằm mục đích phục vụ Thế vận hội. Trong khi đó, số người sử dụng xe hơi tăng mạnh, khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông thêm trầm trọng. Điều này cũng làm gia tăng lượng khói xả từ xe hơi.
Hiện nay, Bắc Kinh có khoảng hơn ba triệu chiếc xe; cứ mỗi năm dự trù lại tăng thêm gần 400.000 xe hơi và xe tải nữa. Thành phố này phụ thuộc rất nhiều vào xe tải và xe hơi. Vì thế không khí nơi đây không thể nào bớt ô nhiễm được. Giống như nhiều thành phố khác, các loại xe tải hạng nặng chỉ được phép vào Bắc Kinh ban đêm.
Theo một cuộc khảo sát, lượng khí thải do các phương tiện có động cơ chạy bằng dầu diesel đã cao đến mức nghiêm trọng, với lượng PM2.5 - một loại hạt li ti có tác hại lâu dài đối với sức khỏe - lên mức cao nhất trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 3 giờ sáng.
Các khó khăn của Bắc Kinh như được cộng dồn lại với nhau, bởi thành phố này đã bỏ bê, không phát triển hệ thống giao thông công cộng trong quá nhiều năm. Chỉ cho đến gần đây mới có được một số tuyến tàu điện ngầm - metro - và hiện nay thì đang mở rộng thêm các tuyến này cũng như sắp xây dựng xong tuyến xe lửa từ sân bay về trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, số lượng người mua xe hơi riêng có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng. Ông Vũ Quế Gia, một giáo sư thuộc viện nghiên cứu đô thị của Đại học Thanh Hoa, nói rằng nếu hạn chế việc sử dụng xe hơi, hệ thống vận tải công cộng sẽ bị quá tải.
Mỗi ngày, Bắc Kinh “chứa” khoảng 20 triệu người. Ô nhiễm vẫn được coi là một thách thức lớn và lâu dài. Các nhà khoa học cho rằng, thành phố này sẽ không bao giờ có thể được làm sạch, nếu những tỉnh công nghiệp lân cận không giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm. Những nghiên cứu mới đây cho thấy Bắc Kinh giống như một cục nam châm thu hút ô nhiễm do các tỉnh lân cận phát tán ra.
Nỗ lực vì một “Thế vận hội xanh”
Nhưng dù sao thì Bắc Kinh cũng sẽ phải cố gắng để nâng cao chất lượng không khí. Trong nhiều tháng qua, các nhà khoa học đã sử dụng thành phố này như một nơi thí nghiệm, kiểm tra các nhân tố liên quan đến gió và cấu trúc bầu khí quyển để tìm ra các nguồn gây ô nhiễm trong vùng.
Dự thảo về kế hoạch xử lý ô nhiễm tại Bắc Kinh và các tỉnh lân cận đã được phê chuẩn. Các nhà chức trách chưa công bố các chi tiết của dự thảo này. Nhưng có tin cho hay, các quan chức Trung Quốc đang thảo luận việc đóng cửa một số nhà máy và hạn chế giao thông trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Người dân Bắc Kinh nhiệt liệt ủng hộ, hưởng ứng việc tổ chức Thế vận hội. Họ hiểu rằng các quan chức sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo nguồn không khí trong lành. Hồi tháng 8 năm 2007, thành phố đã cấm hàng triệu xe hơi lưu thông, trong cuộc thử nghiệm bốn ngày nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá tỷ lệ ô nhiễm và tình hình giao thông.
Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng biết rằng các biện pháp tình thế như vậy sẽ không kéo dài, tức không cải thiện được tình hình. Một kỹ sư thuộc một nhà máy có thể bị tạm thời đóng cửa nói rằng: “Vâng, tôi có nghe nói về điều này. Nó giống như việc bạn mời ai đó đến nhà mình và giấu con cái dưới gầm giường để cho ngôi nhà trông đẹp và gọn gàng hơn. Nếu tất cả các nhà máy đều buộc phải đóng cửa vì Thế vận hội thì sau đó, khi các nhà máy hoạt động trở lại, ô nhiễm sẽ bùng nổ nghiêm trọng hơn”.
Chính quyền Bắc Kinh thì cho biết, ngay từ bây giờ, việc tổ chức Thế vận hội đã đem lại các kết quả tích cực, có ảnh hưởng lâu dài đối với môi trường của thành phố này. Các quan chức của Ủy ban Thế vận quốc tế (IOC) thừa nhận chất lượng không khí vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Nhưng, theo họ, không khí Bắc Kinh sẽ còn ô nhiễm hơn nếu không có những nỗ lực cải thiện môi trường vì Thế vận hội 2008.
NGỌC TRUNG (Theo New York Times)