Báo cáo thị trường dầu tháng 7 do IEA công bố ngày 13-7 cho biết, trong tháng 6 nhu cầu dầu toàn cầu ước tính đã tăng lên 96,8 triệu thùng/ngày. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu dầu mỏ sẽ còn cao nhờ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường dầu đang hỗn loạn vì bất đồng của OPEC+ và biến động giá không giúp ích gì cho các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Báo cáo hàng tháng của IEA cho rằng: “Có khả năng xảy ra cuộc chiến thị phần khiến giá nhiên liệu cao gây ra lạm phát, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế”. Ngay sau báo cáo của IEA, giá dầu thế giới đã tăng gần 2% do lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt hơn vì bất đồng giữa các nhà sản xuất lớn về lượng dầu thô bổ sung ra thị trường thế giới. Theo CNN, giá dầu Brent tăng 1,33 USD, lên 76,49 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,15 USD, lên 75,25 USD/thùng.
Giá dầu có thể tăng mạnh do thiếu nguồn cung hoặc đột ngột giảm sâu nếu các nước đua nhau bơm dầu ra thị trường. OPEC+ đã đồng ý bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường bắt đầu từ tháng 8 nhưng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lại muốn nâng sản lượng cơ bản từ 3,1 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày. Hiện OPEC+ vẫn bế tắc trong việc thỏa thuận trên có bao gồm việc gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 hay không. Helima Croft, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: “Chúng tôi đã làm ăn khá suôn sẻ trong năm nay và bây giờ không ổn chút nào”.
Các nhà phân tích cho rằng, thế giới đang thiếu tới 2 triệu thùng/ngày dựa trên mức sản xuất hiện tại và nhu cầu ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa dầu đang được lấy từ các kho dự trữ và áp lực lên giá có thể ngày càng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Ngoài ra, giới phân tích nhận định, việc biến chủng Delta đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới có thể làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu nếu đại dịch tiếp tục bùng phát. Theo IEA, sản xuất ít hơn nhu cầu sẽ khiến giá dầu bấp bênh hơn cho đến khi đạt một thỏa thuận tăng sản lượng.