Niềm vui nho nhỏ
Năm 2018, thị trường phát hành phim Việt dừng ở con số hơn 40, cao hơn so với năm 2017. Tuy nhiên, thị phần phim Việt trong năm chỉ đạt 23% trên tổng doanh thu toàn thị trường, giảm 1% so với 2017 và 2% so với 2016. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim CGV: “Đây là con số khá khiêm tốn của điện ảnh Việt Nam so với một số nước trong khu vực. Để phát triển thị trường phim nội địa, chúng tôi mong muốn mỗi năm có ít nhất 100 phim Việt ra rạp và thị phần phim Việt phải đạt hơn 40%”.
Cái được lớn nhất của phim Việt trong năm qua, chắc chắn không phải doanh thu. Nhưng, câu chuyện doanh thu luôn được nhắc đến đầu tiên. Năm qua, số lượng phim đạt doanh thu cao và đã công khai chính thức không đếm hết các đầu ngón tay. Thành công lớn nhất và bất ngờ nhất là Siêu sao siêu ngố với 108 tỷ đồng khiến nhà sản xuất (NSX) không thể ngờ tới. Nhiều người làm nghề cũng cho rằng, phim có phần ăn may.
Các phim thành công khác lần lượt có: Lật mặt 3, Tháng năm rực rỡ, Chàng vợ của em và 798Mười nhưng không thể vượt qua 100 tỷ đồng. Và dĩ nhiên, càng không có phim nào vượt qua được kỷ lục của Em chưa 18 (năm 2017) với hơn 170 tỷ đồng.
“Trong thời buổi hiện nay, một phim ra rạp đạt mức doanh thu 50 tỷ đồng đã là điều đáng mừng. Số hòa vốn đã ít, số thua lỗ kể không xuể vì nhiều khi chỉ ra rạp sau 1 tuần lễ là đã biệt tăm”, một NSX giấu tên chia sẻ. Trong khi đó, theo NSX Lý Minh Thắng: “Chất lượng phim đã được đầu tư rất nhiều. Bản thân nhà làm phim luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, còn đánh giá của khán giả và câu chuyện doanh thu là vấn đề khác nữa, không thể lý giải hết được”.
Năm 2018 cũng ghi nhận là năm điện ảnh Việt mạnh dạn thể nghiệm. Đó là sự dấn thân vào những thể loại mới. Leon Lê với Song lang; phim độc lập Nhắm mắt thấy mùa hè (Cao Thúy Nhi); Ống kính sát nhân (Nguyễn Hữu Hoàng); Vai diễn đổi đời (Nguyễn Đức Minh), Dream Man: Lời kết bạn chết chóc (Roland Nhân Nguyễn)… là những điểm sáng không thể bỏ qua. Nói như đạo diễn Leon Lê: “Làm phim không chỉ để thỏa mãn khán giả mà còn để kể câu chuyện của mình. Nếu khán giả thấy đau, hụt hẫng là thành công”.
Một tín hiệu vui khác cũng cần nhắc đến là phong trào làm nghề sôi nổi với nhiều cái tên triển vọng. Ngoài những đạo diễn như đã nói ở trên, lực lượng các nhà làm phim ngắn trưởng thành từ Dự án phim ngắn CJ, Giải thưởng phim ngắn HTV, Film Fest 2018, chính là lực lượng kế cận đầy tiềm năng, nhiệt huyết. Trong khi đó, những: Liên Bỉnh Phát, Phương Anh Đào, Thanh Tú, Trịnh Thảo, Khả Ngân, Hoàng Yến Chibi… là những gương mặt diễn viên mang đến làn gió mới cho màn ảnh rộng.
Vẫn cứ nghiệp dư
Cách đây vài năm, người hâm mộ và khán giả yêu điện ảnh Việt từng chán ngán với những bộ phim bị gắn mác hài nhảm, thảm họa. Xu hướng, rất may được dập tắt khi các nhà làm phim tử tế chú trọng đến chất lượng tác phẩm; bên cạnh đó, nhu cầu và thị hiếu khán giả tăng cao khiến hài nhảm không còn cơ hội tồn tại.
Tuy nhiên, sau một vài năm phát triển cả về số lượng, chất lượng với những tín hiệu đáng mừng, một khái niệm mới xuất hiện: những bộ phim vô thưởng vô phạt. Năm 2018, những phim kiểu như thế xuất hiện nhiều, từ phim hợp tác, phim Việt hóa cho đến các phim do các đơn vị sản xuất mới thực hiện.
Chất lượng phim thấp làm kéo lùi thị trường. Lala: Hãy để em yêu anh, Yêu em từ khi nào, Girls 2: Những cô gái và găng tơ… là những dự án phim hợp tác, rình rang khi công bố nhưng cuối cùng không kèn không trống rời rạp. Hay những: Yêu em bất chấp, Kế hoạch đổi chồng… xuất hiện quá nhiều thiếu sót. Hoặc: Tìm vợ cho bà, Quý cô thừa kế, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Bao giờ hết ế, Em gái mưa, Yêu nữ siêu quậy, Hạ cuối tình đầu, Thử yêu rồi biết…, nói như một đạo diễn trẻ, là “Không biết ra rạp để làm gì”.
Một câu chuyện muôn thuở mà nhiều đơn vị sản xuất luôn đề cập, là bảo hộ phim Việt. Với số lượng hàng trăm phim ngoại mỗi năm, trong đó có sự góp mặt của hầu hết các bom tấn điện ảnh Hollywood, các tác phẩm đình đám của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, đó là sức ép đối với phim Việt (vốn được đầu tư kinh phí rất ít).
Có những trường hợp đối đầu thành công như: Lật mặt 3 và Avengers: Cuộc chiến vô cực, hay Em chưa 18 và Vệ binh dải ngân hà 2, nhưng đó chỉ là thiểu số. “Nếu đặt mục tiêu đưa ra hạn mức để tạo điều kiện phát triển cho phim Việt thì vô hình chung, chúng ta đang tự giới hạn số lượng các thể loại phim và các cụm rạp sẽ không có đủ phim phục vụ nhu cầu và thị hiếu ngày càng tăng của khán giả”, ông Hoàng Hải chia sẻ.
Theo ông, từ những trường hợp thành công nói trên, ngoài mặt nội dung thu hút khán giả, vai trò của nhà sản xuất, đội ngũ làm phim và nhà phát hành trong việc hoạch định chiến lược truyền thông và quảng bá phim cũng là mấu chốt quyết định phim có khả năng trụ rạp lâu hay không. Trong khi bài toán hạn ngạch hay bảo hộ phim Việt vẫn cứ là lời kêu cứu của các nhà sản xuất trong nước, cách duy nhất chính là bản thân mỗi ê kíp đoàn phim cần tự nâng cấp chính mình, chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất, phát hành. Vũ khí lớn nhất của các nhà làm phim là khán giả Việt vẫn dành tình cảm cho các bộ phim nước nhà, vẫn luôn muốn ủng hộ sự phát triển của điện ảnh Việt.
Phim Việt năm 2018 phủ màu u ám bởi những scandal không đáng có. Cho đến thời điểm này, sự việc của bộ phim Chú ơi đừng lấy mẹ con và “cuộc tình tay ba” Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn - An Nguy vẫn lùm xùm. Làm ra một bộ phim không dễ, việc tiếp thị hình ảnh phim đến với khán giả như thế nào để có được đồng cảm càng khó. Gần về cuối năm, câu chuyện của đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân và sự dở dang của bộ phim Thiên đường - dự án hợp tác với Hàn Quốc - cũng cho thấy cung cách làm phim chụp giựt, thiếu chuyên nghiệp. |