Ông Trần Minh Tâm (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, từ tháng 8 âm đến tháng 2 năm sau, do thời tiết mưa, đất đồi núi tơi xốp hơn, công việc trồng keo cũng dễ dàng, không mất nhiều công chăm sóc, tỷ lệ sống cao hơn.
Ông Tâm có hơn 2 sào đất làm vườn ươm keo lai, trung bình mỗi năm làm 3 vụ. Ông cho biết: “Tôi lấy về hơn 80.000 cây giống, sử dụng ươm giống nuôi cấy mô, phun sương tự động, từ số lượng cây giống có thể ươm ra cả trăm ngàn cây. Mỗi ngày tôi bán cũng gần 100.000 cây, với giá bán bình quân 45.000-50.000 đồng/50 cây, thu về gần 90 triệu đồng, chưa trừ chi phí”.
So với giá giống cấy mô nhiều năm trước, giá năm nay tăng lên gần 900 đồng/cây, mỗi sào đất đồi, người trồng rừng chỉ cần trồng 500- 600 cây.
Bà Trần Thị Nhị (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) có 5 sào đất, cũng lấy gần 5.000 cây giống về ươm, bà cho biết, trung bình vườn ươm có sức chứa gần 300.000 cây, ngày cao điểm nhất có thể bán ra 50.000 cây keo giống.
Thậm chí nhiều nông dân, như ông Lê Hữu Phước (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn), dành đến 1 mẫu đất trồng hàng trăm ngàn cây keo giống. Người dân ở xã Bình Hiệp cứ vào tháng 3 hằng năm, các vườn ươm chuẩn bị đất, bầu,… đến tháng 8 âm thì bắt đầu bán giống.
Xã Bình Hiệp là vườn ươm lớn nhất huyện Bình Sơn, nơi cung cấp cây ươm giống cho nhiều tỉnh, thành lân cận.
Keo lai là loài cây trồng chủ lực của nước ta. Theo ước tính của Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, diện tích rừng trồng ước tính đến hết năm 2016 vừa qua là 520.000ha. Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng gần 200ha vườn giống các loài Keo lai tượng, keo lá tram, keo lá liềm,… Trong số đó đã có gần 30 vườn giống được công nhận đủ điều kiện sản xuất hạt giống phục vụ trồng rừng. Viện đã sản xuất và cung cấp gần 2 triệu cây mô đầu dòng Keo và Bạch đàn cho các vườn ươm trên khắp cả nước để xây dựng vườn cây đầu dòng sản xuất hom.