“Chảy máu chất xám” là cụm từ quen thuộc nhiều năm qua, được xã hội quan tâm bởi phần lớn học sinh, sinh viên ưu tú tìm mọi cơ hội sang nước ngoài du học rồi ở lại làm việc. Thế nhưng, khi trào lưu khởi nghiệp trong nước phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, thì “chất xám” đang có xu hướng chảy về…
Đi một ngày đàng…
Không chọn đi làm ngay như các bạn đồng trang lứa mà sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, Hồ Đức Hoàn chọn con đường du học nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức và được trải nghiệm. Đầu năm 2012, Hoàn lên đường sang Phần Lan du học theo lời mời của Trường Đại học Ứng dụng Kajaani. Sau đó 1 năm thì sang Pháp theo học Trường Đại học Catholique de Lyon dưới diện trao đổi sinh viên. Hoàn tâm sự: “Ra nước ngoài khi đã trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học nên tôi định hướng rõ ràng con đường đi của mình. Với tôi, mục tiêu chính của việc du học là trải nghiệm, muốn hiểu sâu hơn cách người phương Tây tư duy và làm việc”. Cũng bởi suy nghĩ “nếu không đi thì sẽ rất khó để biết trong nước mình đang có những tiềm năng gì chưa được khai thác”, nên sau 3 năm du học, khi đã cảm thấy đủ độ chín thì Hoàn quyết định về nước. Vậy là 27 tuổi, hành trang của Hoàn là những kiến thức học được từ đất nước Phần Lan và Pháp, là nhiệt huyết và tầm nhìn mới, thoáng hơn, rộng hơn để trở về nước gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình.
Gcall của Nguyễn Xuân Bằng dành giải nhất trong sự kiện Angel Hack (nơi quy tụ những nhân tố trẻ nổi tiếng hàng đầu làng công nghệ Việt Nam) năm 2015 tổ chức tại Hà Nội
Trường hợp như Đỗ Đắc Nhân Tâm (Nathan Do, Việt kiều Canada) có lẽ khá hiếm hoi. Định cư ở Canada cùng gia đình từ năm 1999 - khi 18 tuổi, hưởng nền kinh tế và tiếp thu nền giáo dục phát triển hơn so với Việt Nam nhưng Tâm vẫn quyết định trở về. “Có nhiều đêm ở xứ người, tôi tỉnh dậy và suy nghĩ rằng tại sao những ngày của tuổi 20 mình đã khát khao làm gì đó cho Việt Nam, ngay tại Việt Nam và dám làm, dám nhận cả thất bại, còn bây giờ… Và thế là, tôi lại xách ba lô về quê hương”, Nhân Tâm trải lòng sau hơn 15 năm ở Canada.
Du học chưa bao giờ có trong dự tính của Nguyễn Xuân Bằng, nhưng sau khi đã 2 lần “ghi danh” vào danh sách khởi nghiệp thất bại, anh lại khao khát sửa sai bằng việc đi học “kỹ năng khởi nghiệp” của những những người nơi trời Âu mà anh từng có dịp biết đến. Năm 2014, khi có ý định từ Đức về nước, rất nhiều người đã khuyên Bằng ở lại. “Ai cũng bảo mình khờ, họ bảo bao nhiêu người muốn đi không được, mình đi rồi thì lại muốn về. Rồi mọi người đem chuyện lương, cơ chế ra để thuyết phục nhưng mình thì nghĩ khác, còn gì tuyệt vời hơn khi khởi nghiệp ở chính quê hương mình”, Bằng chia sẻ.
Tìm giá trị sống giữa quê hương
Tháng 5-2015, EBIV (EBrand Index Value) - giải pháp đánh giá chỉ số tín nhiệm của thương hiệu của Hồ Đức Hoàn chính thức ra đời. Chỉ sau đó một năm rưỡi, khoảng 250 đơn vị giáo dục tại TPHCM nằm trong hệ thống đánh giá EBIV, trong đó có khoảng 70 trường đại học, cao đẳng với hơn 10.000 đánh giá của sinh viên; 80 trung tâm ngoại ngữ, các trung tâm gia sư, đào tạo kỹ năng mềm. Đặc biệt, EBIV sẽ đi vào 1 triệu sinh viên với dự án phối hợp với Thành đoàn TNCS TPHCM thí điểm đánh giá tín nhiệm các đơn vị, trường học từ tháng 5-2017.
Ngôi nhà chung EBIV của Hồ Đức Hoàn và các cộng sự
Còn với Bằng, sau khi về nước đã bắt tay với Tấn Phúc - người bạn cùng khởi nghiệp thời sinh viên, đi sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử, cho ra đời Gcall. Được xây dựng như một tổng đài thông minh, Gcall cho phép doanh nghiệp tiếp cận lao động nhàn rỗi trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống. Vượt qua nhiều khó khăn, Bằng và Phúc lập được công ty riêng nằm trong Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM. Gcall hiện có 15 kỹ sư làm việc toàn thời gian cho dự án. Tháng 9-2015, Công ty Gcall Vietnam Pte. Ltd. cũng được thành lập tại Singapore. Tại quốc gia này, Gcall thu hút 170 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có nhiều doanh nghiệp Mỹ. Hiện tại, 350 doanh nghiệp khác cũng đăng ký, chờ dùng thử hệ thống. Với thành tích ấn tượng, chủ nhân dự án Gcall đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân toàn cầu 2016 tại Thung lũng Silicon. Không giấu tham vọng đưa Gcall thành nền tảng chăm sóc khách hàng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar, Philippines, Malaysia…, Bằng còn muốn mở rộng ứng dụng đến người dùng phổ thông trong năm 2017.
Khởi động dự án từ đầu năm 2016, dự án “bTaskee” - cầu nối dịch vụ giúp việc nhà và khách hàng theo giờ của Nhân Tâm nhận phản hồi tốt từ thị trường. Đến tháng 12 vừa rồi, dự án đã cán mốc kết nối hơn 10.000 việc làm. Mục tiêu sắp tới của anh là kết nối 2.500 việc làm/tháng. “Nếu để kiếm tiền, đây không phải dự án thu lợi nhuận trước mắt. bTaskee muốn mang đến nhiều công việc cho người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ, lao động nữ. Dự án của tôi còn muốn xóa bỏ khoảng cách giữa khách hàng và người giúp việc, xem đó là thỏa thuận ngang hàng giữa các đối tác. Tôi xác định dự án là một con đường dài. Và khi vươn ra khỏi Việt Nam, nó sẽ được biết tới như một câu chuyện khởi nghiệp của người Việt, xuất phát từ Việt Nam”, Nhân Tâm tràn đầy hy vọng.
Với Đức Hoàn, Xuân Bằng, Nhân Tâm hay nhiều người trẻ khác, việc trở về quê hương không chỉ để khởi nghiệp mà còn là hành trình đi tìm những “giá trị sống”.
ÁI CHÂN - THU HƯỜNG - VÕ THẮM