1. Cuộc trở về của những nhà khoa học Việt được ví như chuyến độc hành của khát vọng cống hiến bởi Việt Nam chưa phải là cái tên lý tưởng cho giới nghiên cứu. Người chọn về thường nhận được lời khuyên đầy lo lắng, cái nhìn tiếc nuối của người ở lại.
Gặp PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, giữa những ngày cuối năm tất bật là một cơ duyên đặc biệt, được cùng chị nhìn lại chặng đường 10 năm trở về, đó như bộ phim “thám hiểm” khát vọng bên trong mỗi người con đất Việt.
PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp cùng đồng nghiệp trẻ |
10 năm không dài nhưng đủ để chị trả lời cho đắn đo của 10 năm trước: Nên ở lại hay trở về? Nữ PGS-TS sinh năm 1981 này kể, vào những ngày cuối năm 2012, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc về y học tái tạo, chị rất băn khoăn có nên về nước hay không vì lúc đó còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Trong khi cơ hội đến với chị lúc này không chỉ có ở lại Hàn Quốc mà còn một cơ hội lớn hơn - đến nước Mỹ.
Nỗi băn khoăn lớn hơn khi chị search “Kỹ thuật y sinh”, kết quả hiện ra đúng như dự cảm, trừ điểm le lói duy nhất: GS Võ Văn Tới, người được đại học Mỹ vinh danh là giáo sư giỏi nhất đang đặt nền móng ở Việt Nam với việc thành lập bộ môn này tại Trường ĐH Quốc tế.
Chị về nước tìm gặp GS Võ Văn Tới để giải mã những gì đang có về bộ môn Kỹ thuật y sinh. Nó có 1 văn phòng và… 1 phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm cũng chỉ có các thiết bị điện tử; trong khi ở Hàn Quốc là tế bào, là nano. “Tôi thực sự lo lắng, mình sẽ làm được gì khi điều kiện chỉ có vậy? Nhưng GS Võ Văn Tới nói với tôi, việc chưa ai làm, những gì trong nước chưa có thì mới cần những người như tôi trở về. Nếu chúng tôi không làm thì ai sẽ làm? Thầy nói, hoặc làm để lại cho thế hệ sau hoặc đẩy trách nhiệm lại cho thế hệ sau, em chọn đi”.
Câu nói không vị nể của người giáo sư đầu ngành cứ lởn vởn trong đầu khi chị quay lại Hàn Quốc. Thầy liên tục gửi email thuyết phục, động viên và vạch ra nhiều hướng có thể đi nếu chị chịu trở về. “Một ngày khi đang đi trên con đường quen thuộc từ trường về ký túc xá, tôi nhớ những cơn gió đầy nắng ấm áp của Sài Gòn và quyết định gọi điện về nhà, đóng vali lại, đăng ký vé máy bay, viết email cho thầy nói hết ý định…”. Một dãy hành động dứt khoát như cách để chị tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm trở về.
Để khởi sự lĩnh vực y học tái tạo từ con số 0, chị đến các bệnh viện trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ thực hiện ý tưởng nghiên cứu sáng chế một loại keo kháng khuẩn giúp làm lành vết thương, nâng cao hiệu quả điều trị. Ý tưởng rõ ràng là hay nhưng ai dám đầu tư khi chị chưa là gì. Chính GS Võ Văn Tới đứng ra làm hồ sơ vay vốn để hỗ trợ chị 1 tỷ đồng - không chỉ là con số, đó là niềm tin vị giáo sư trao truyền cho người cộng sự trẻ.
Mất 4 năm để hái quả ngọt đầu tiên. Năm 2016, chị được UNESCO trao công bố sáng chế đề tài cải thiện tụt nướu răng bằng sợi collagen và điện hóa học. Năm 2018, chị công bố sáng chế về loại keo kháng khuẩn giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương, được L’Oréal - UNESCO trao giải thưởng tài năng trẻ thế giới về giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện. Năm 2019, chị đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo của TPHCM. Tạp chí ASEAN Scientist đã bình chọn chị là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019.
Đến nay, TS Nguyễn Thị Hiệp đã có hơn 100 công bố uy tín và gần 100 công bố khác. Bảng “thành tích” còn dài nhưng điều chị tự hào nhất là cái riêng đã đóng góp cho cái chung: Khoa Kỹ thuật y sinh giờ đây đã có 12 phòng thí nghiệm, gần 20 giảng viên đều là tiến sĩ từ nước ngoài về.
2. Cũng mang niềm tin của một người may mắn có được điều kiện học hành tốt và những thành tựu trong nghiên cứu để bắt đầu hành trình tại quê nhà, nhà khoa học Nguyễn Thời Trung phải trải qua nhiều thời điểm hoài nghi về sự tự tin của bản thân - liệu mình có thể tìm đường đi phù hợp cho bản thân thích nghi với điều kiện làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?
Trước khi trở thành tiến sĩ của Đại học Quốc gia Singapore, anh đã là một nghiên cứu sinh có “số má” với 30 bài báo ISI và 1 quyển sách quốc tế được xuất bản. Anh tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc với giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất (Best PhD Thesis Award) và những cơ hội để tiếp tục làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại nước ngoài.
PGS-TS Nguyễn Thời Trung tìm cách thu hút nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam |
Gần ngày tốt nghiệp, anh nói với giáo sư hướng dẫn ý định muốn quay về. Nhận ra sự tiếc nuối của người thầy, lòng anh không tránh khỏi những suy tính thiệt hơn. Song, khi trong tim có chỉ dẫn mục tiêu cụ thể tất có những lý lẽ riêng để chọn lựa.
“Người Việt mình lạ lắm, dù ở đâu, làm gì, trong đầu ít nhiều đều nung nấu ý định hồi hương và làm chuyện gì đó cho quê nhà. Tôi là như thế. Kể cả khi biết chắc trở về thu nhập ít ỏi, điều kiện và kinh phí nghiên cứu không thể so sánh nhưng tôi vẫn tin mình sẽ thành công ngay trên quê hương”, anh nói.
Trở về. Đó là quá trình kiên định đầy thử thách để tìm các nguồn “fund” tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đề xuất các quy định/chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và tự bản thân xây dựng các điều kiện tối thiểu cần thiết để tập hợp một đội ngũ cộng sự có thể chuyên tâm làm nghiên cứu. Anh vừa nghiên cứu, giảng dạy ở trường, vừa tìm lối ra cho nhóm nghiên cứu.
“Khó khăn lớn nhất là tài chính để duy trì, giữ chân các bạn trẻ (sinh viên, học viên) có năng lực nghiên cứu. Có những lúc, tôi không còn tiền hỗ trợ các bạn trẻ nhóm nghiên cứu. Mẹ tôi đã cho mượn căn nhà để làm chỗ nghiên cứu và chỗ ở cho các bạn trẻ nhóm nghiên cứu, còn vợ thì luôn động viên chồng cứ làm việc phải làm, hỗ trợ nuôi quân”, anh kể.
Năm 2010, anh đăng ký thành công đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED, thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ) tài trợ. Cùng lúc đó, TS Nguyễn Thời Trung cùng một vài người bạn đồng khóa được một trường đại học mời về xây dựng nhóm nghiên cứu. Với những công bố tốt trên các tạp chí ISI và có trích dẫn tốt, nhóm của anh đã tạo được niềm tin, được cấp phòng làm việc, được trang bị điều kiện và máy móc phục vụ nghiên cứu. Năm 2013, anh được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS. Năm 2014, anh lãnh đạo một viện nghiên cứu chuyên về khoa học tính toán trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM…
Tích lũy dần đến năm 2022, anh đã đạt được những thành tích mang tầm quốc tế. PGS-TS Nguyễn Thời Trung vinh dự được mời làm Thành viên Hội đồng Thẩm định (editorial board) của một tạp chí rất uy tín là Computers & Structures (Q1, H-index = 144 theo SCImago) của Nhà xuất bản nổi tiếng thế giới Elsevier (Hà Lan). Tháng 10-2022, nhóm Metrics của các giáo sư Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra Bảng xếp hạng tốp 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, và một lần nữa PGS - TS Nguyễn Thời Trung được giới học thuật ghi nhận…
Khi tôi hỏi anh muốn chinh phục thành tích nào tiếp theo, anh nói không nên quan tâm, chẳng qua đó là câu chuyện phải làm, bởi câu hỏi, anh đau đáu không phải mình đạt được gì, mà là mình làm được gì hiệu quả cho xã hội. Đến tháng 8-2022, khi anh rẽ hướng về làm Viện trưởng Viện Khoa học Tính toán và Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Văn Lang, tôi hiểu được khái niệm “thành công” mà anh minh định lúc trở về, chứa đầy sự khác biệt. Đó đâu chỉ là chinh phục những nấc thang sự nghiệp, mà ôm mang khát vọng vượt ra khỏi cái riêng của bản thân.
Anh nói: “Chúng ta cần một môi trường nghiên cứu mạnh, từ các quy định chính sách nghiên cứu khoa học có thể giúp nhà khoa học phát huy được năng lực nghiên cứu của cá nhân và tập thể, từ hệ thống quản lý hiệu quả ở tất cả các cấp, để từ đó thu hút được các nhà khoa học Việt về nước cống hiến, đồng thời “kéo” được nhà khoa học ngoại đến cộng sức”.
Ngồi trong văn phòng chỉ hơn 6m2 nhưng nhà khoa học này đang vạch ra những chính sách tầm nhìn cho 10-20 năm nữa; chia sẻ cách làm sao thu hút và giữ chân nhà khoa học. Nói chuyện với tôi tại phòng làm việc, anh chỉ: “Cậu trắng trẻo kia là tiến sĩ người Nga, kế bên là tiến sĩ người Ấn Độ, còn 10 bạn kia là những nhà khoa học Việt Nam chất lượng cao vừa tốt nghiệp từ nước ngoài trở về… Trong mấy tháng nay, chúng tôi đã “thu hút” được 20 bạn từ khắp nơi trong và ngoài nước…”.
3. Vũ Duy Thức gần như là “bộ nhận diện” khi nhắc đến từ khóa người Việt - Thung lũng Silicon - AI. Để nói về thành tích của Thức, nhiều lắm. Đó là người Việt đầu tiên và duy nhất được tạp chí kinh doanh uy tín của Mỹ vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon, năm 2017.
Không dễ để một trí tuệ Việt tỏa sáng trên vùng đất của những gã khổng lồ nắm giữ tinh thần khởi xướng đổi mới công nghệ của thế giới. Vũ Duy Thức xác tín với giới tinh hoa công nghệ bằng việc liên tục chinh phục những nấc thang cao hơn.
Anh nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford (Mỹ) khi chỉ mới 28 tuổi. Là người sáng lập OhmniLabs, khai sinh các thế hệ robot Ohmni phá vỡ định kiến robot máy móc, robot của Thức đi sâu vào quan tâm chăm sóc sức khỏe người lớn tuổi, hỗ trợ dạy học, giúp đỡ y tá trong bệnh viện… Thức cũng là “ông chủ” của Kambria - một hệ sinh thái hoạt động trên nền tảng blockchain.
Mỗi đời người chỉ cần may mắn sở hữu 1 trong 2 cuộc đời rực rỡ. Đó là một cuộc đời trên sơ yếu lý lịch với những cột mốc cụ thể, những sự kiện có thể gọi tên và định đoạt bởi thước đo hữu hình. Hoặc cuộc đời thứ hai với những trải nghiệm và hoài bão riêng không dễ gọi tên. Thức lại trọn vẹn cả hai. Bởi thế, anh quý trọng những gì được trao ban và tự nhận trách nhiệm phải trả lại.
TS Vũ Duy Thức (áo xanh) với khát vọng đưa tập thể trí tuệ Việt ra khơi |
Tháng 11-2022, Quỹ Học bổng Vietseeds hỗ trợ sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn được theo đuổi bậc đại học, do Thức sáng lập, đã 11 tuổi. Những thế hệ đầu tiên ra trường, thành công và nắm giữ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nâng đỡ thế hệ người trẻ tiếp theo. VietAI, tổ chức phi chính phủ do Vũ Duy Thức đồng sáng lập, cũng mang khát vọng xây dựng một mạng lưới nhân tài trong lĩnh vực AI tại Việt Nam. Những buổi hội thảo, đào tạo liên tục mở ra để tìm kiếm những kỹ sư giỏi mà đích thân anh bay về cùng góp sức. Gần đây, khi trở thành Giám đốc Đầu tư Quỹ Do Ventures, anh trở thành người đi gieo niềm tin và sức mạnh cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam…
Vũ Duy Thức nung nấu một khát vọng lớn: “Đưa tập thể trí tuệ Việt ra khơi”. Khi đi nhiều, anh càng ý thức về di sản cá nhân, di sản về lịch sử, địa lý lẫn văn hóa dân tộc. Giữa vô số chuyến bay trong quỹ thời gian hữu hạn của một Vũ Duy Thức doanh nhân, anh lại được lấp đầy năng lượng và nguồn cảm hứng bởi những chuyến trở về của một Vũ Duy Thức cá nhân. Trở về, với Thức không phải là một cột mốc cụ thể, anh đã đi rồi về, rồi lại đi rất nhiều lần trong hơn chục năm qua. Anh cố gắng đóng góp cho quê nhà dù ở bất kỳ đâu khi thế giới đã phẳng và thứ công nghệ mà anh góp phần tạo ra đã xóa đi rào cản địa lý.
Có lẽ khoảng cách đã không còn là giới hạn, khoảng cách chỉ thật sự xa nhất khi đầu không nghĩ đến, tâm không hướng về. Con đường về nhà gần nhất là con đường ở ngay trong trái tim mình. Cuộc trở về của doanh nhân - TS Vũ Duy Thức hay bất kỳ người con đất Việt nào khi khoác lên mình mong muốn đóng góp cho quê nhà, thì những cuộc trở về không còn đo lường bằng khoảng cách địa lý hữu hình. Khi dòng máu nóng không ngừng thôi thúc, khi những cuộc trở về không là đơn lẻ thì sức mạnh và trí tuệ Việt vươn xa là một tương lai hoàn toàn khả tín.