Vui đã đành, 8 năm trong trại giam dài bằng nửa đời người. Duy thèm được về nhà để làm lại cuộc đời và phụng dưỡng bố mẹ già. Nhưng Duy cũng sợ cuộc sống ngoài kia đã thay đổi quá nhiều sẽ rất khó để hòa nhập lại. Rồi còn biết bao con mắt người đời nhìn mình không thiện cảm. Quá khứ của Duy giống như một vết nhơ không thể nào gột sạch. Nhưng Duy biết mình cần phải cố gắng để người thân không phải phiền lòng. Duy nằm nhớ nhà mình, nhớ đến từng giếng nước, bờ ao, giậu cúc tần. Con chim cu gáy đã sổ lồng, con chó vàng đã chết. Vườn cây cối chắc đã xum xuê tỏa bóng với những mùa quả ngọt. Nghe nói đường nước sạch mới về làng. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo cây cối mọc um tùm 2 bên, giờ cũng đã được bê tông hóa. Khu rừng trước nhà đã được san bằng làm đường cao tốc. Cuộc sống đổi thay qua từng lời mẹ kể khiến Duy càng nôn nao muốn rời khỏi nơi này. Bàn tay Duy còn ấm bởi cái nắm níu dặn dò của cán bộ quản giáo nơi đây: “Ra ngoài rồi ráng làm lại từ đầu. Đừng bao giờ quay lại đây nữa nhé”.
Duy bước ra khỏi cánh cổng trại giam, hít một hơi thật sâu trước khi ào vào vòng tay của người thân. Duy ôm chặt mẹ bằng đôi bàn tay rắn chắc của mình. Mẹ già đi nhiều quá, gầy sọp và tiều tụy. Mái tóc đen ngày xưa giờ đã bạc và rụng đi nhiều được mẹ búi củ tỏi phía sau. Những bồng bột sai lầm của Duy được mẹ gánh gồng bằng tình yêu thương vô bờ bến. Đứa cháu nhỏ ngày nào còn sà vào lòng cậu nũng nịu giờ đã thành thiếu nữ. Bố đứng ở phía xa không vồn vã hỏi han nhưng Duy biết trong lòng bố nghĩ gì. Đường về nhà còn bao xa nữa? Chắc là sẽ dài hơn cả ý nghĩ của Duy, dù ngày nào trong trại giam anh cũng nghĩ về ngày trở về này. Đường về nhà cũng đã khác nhiều, có vài đoạn Duy không còn nhận ra vì cánh đồng khô hạn ngày xưa giờ nhà nối nhà san sát. Vài khu công nghiệp mọc lên, dọc đường căng đầy thông báo tuyển công nhân. Mẹ bảo: “Duy về nghỉ ngơi ít bữa rồi xin vào nhà máy mà làm. Công việc tuy hơi gò bó thời gian nhưng lương ổn định”. “Hồ sơ con như thế chắc gì người ta nhận. Hơn nữa con cũng đã nhiều tuổi rồi”. “Nơi này không nhận thì mình xin nơi khác, thiếu gì việc để làm. Bạn mẹ làm nhôm kính, điện nước nói nếu con thích thì sẽ cho theo để học nghề vừa làm”. “Ở trong trại con được học làm mộc nên sau này con cũng muốn làm lại từ đầu bằng chính nghề nghiệp ấy. Mẹ nhìn xem, con mang gì về làm quà tặng mẹ này”. Duy lấy trong túi ra một bức tượng Phật A Di Đà nhỏ. Anh đặt vào tay mẹ. Mẹ khẽ gật đầu, xúc động cầm bức tượng trên tay, vân vê từng đường nét chạm trổ như vẫn không tin rằng nó được làm từ đôi bàn tay của con trai mình. Đôi bàn tay đã từng lầm lỗi. Duy lấy trong túi ra một chiếc bút gỗ tặng bố. Một cái kẹp tóc gỗ cho cô cháu gái. Mọi thứ đều nhỏ xinh được khắc tỉ mỉ bằng tất cả tấm lòng. Xe đã về đến gần nhà, bố vỗ vai Duy bảo: “Về nhà nghỉ ngơi đã con. Mọi chuyện để tính sau”.
Duy nhìn 2 bên đường, nhà nào cũng treo cờ phấp phới. Vậy là lễ 2-9 năm nay Duy đã được sum vầy với gia đình. Giá mà ông còn sống… Nghĩ đến ông, Duy bỗng thấy cay xè mắt. Không được chăm sóc và ở bên cạnh những giây phút cuối đời của ông là nỗi ân hận lớn nhất trong Duy. Ông là người yêu thương, dạy dỗ Duy từ tấm bé. Hai chị gái theo bố mẹ đi làm ăn xa, chỉ có Duy ở nhà với ông vui vầy sớm tối. Nên từng bài học đầu đời cũng là do ông dạy. Trong mái nhà dột nát, ngày mưa ông chọn chỗ khô ráo Duy ngồi, còn ông chạy khắp nhà hứng mưa bằng mấy cái xoong nhôm. Những ngày nắng chang chang, Duy ngồi chơi dưới gốc cây khế già nhìn bóng ông đổ dài dưới cánh đồng khô hạn. Tiền bố mẹ gửi về, ông đút cột nhà không dùng đến. Lúa ông cấy, thức ăn là tôm tép dưới đồng. Một nồi tép kho tương, bát canh rau nấu hến hay mấy ngọn rau dại trên rừng là đủ cho ông cháu vui vầy. Tiền ông không muốn tiêu mà để đó phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Nhìn lưng áo ông bạc màu, sờn rách, nhiều người thương cảm. Nhưng ông luôn cười bảo: “Tôi đã từng là lính. Từng vào ra chiến trường ác liệt. Giữa bom rơi đạn nổ còn vươn lên để sống và chiến đấu được thì những khó khăn này đâu có là gì. Dẫu có ăn cơm độn sắn vẫn thấy vui vì được sống tự do khi đất nước đã hòa bình”. Ngay cả khi không được khỏe trong người, ông vẫn ra vườn làm việc. Ông sợ nhất tay chân nhàn rỗi. Đã nhiều lần ông bảo với Duy: “Phải lao động thì mới mong cuộc sống tốt đẹp hơn cháu ạ”.
Duy đỗ đại học, ông bật khóc vì vui. Tiền tiết kiệm nhiều năm, ông lấy ra mua sắm những vật dụng cần thiết cho Duy mang theo, từ bộ quần áo mới đến chiếc xe đạp xịn. Số còn lại ông dành dụm để phụ bố mẹ đóng học phí cho Duy. Những ngày đầu xuống phố, Duy nhớ và thương ông không ngủ được. Cứ nghĩ ông ở nhà thui thủi một mình, đêm hôm trái gió trở trời không biết cậy nhờ ai. Hàng xóm cũng cách xa đâu phải cứ gọi là có người nghe thấy. Nửa đêm cứ gió máy là ông lên cơn ho. Không có Duy ở nhà thì ai đắp chăn ấm, pha nước gừng, bôi dầu gió xoa nóng cổ cho ông. Mà không có Duy, chắc ông sẽ hay ăn cơm nguội, quên uống thuốc và chẳng chịu nghỉ ngơi. Duy nhịn ăn sáng, mua thẻ điện thoại thỉnh thoảng ra bốt điện thoại công cộng gọi về cho ông. Muốn gọi phải xếp hàng rất lâu, vì sinh viên đông mà hình như ai cũng nhớ nhà như Duy vậy. Nhà không có điện thoại bàn, Duy gọi về cho nhà hàng xóm hẹn giờ ông sang nghe. Sóng điện thoại chập chờn nghe câu được câu chăng. Ông hỏi Duy học hành thế nào? Ăn uống có đủ chất không? Chỗ ở có thoải mái hay chật chội? Duy còn chưa kịp hỏi thăm ông điều gì thì thẻ hết tiền. Duy tự nhủ sẽ học hành chăm chỉ, sau này ra trường kiếm tiền lo cho ông một cuộc sống đủ đầy.
Nhưng Duy đã không giữ được lời hứa với chính mình. Cuộc sống nơi thành thị đã cuốn Duy vào những trò vui. Duy không biết mình đã trượt chân lúc nào. Những cuộc gọi về nhà cho ông thưa dần. Từng đồng tiền của ông và bố mẹ tích cóp gửi xuống Duy nướng vào mấy trò đỏ đen cùng lũ bạn hư. Đến lúc không còn tiền chơi bời, Duy cắm nợ khắp nơi. Bần cùng sinh đạo tặc. Giữa năm học thứ 3, Duy bị bắt vì tội tổ chức cướp giật tài sản có tổ chức. Vụ việc được mang ra xử điểm, vì các đối tượng đều là sinh viên có học thức mà lại không nhận thức được việc làm sai trái của mình. Phiên tòa được xét xử lưu động, Duy lĩnh án 10 năm tù. Qua cửa sắt xe thùng, Duy ngoái nhìn thấy ông quỵ gối giữa đám đông với tay về phía cháu. Đó không ngờ lại là lần cuối cùng Duy được gặp ông... Lúc biết tin ông mất, Duy đau đớn hiểu rằng, có những lỗi lầm khi nhận ra thì đã quá muộn màng.
Duy về nhà quỳ lạy trước bàn thờ ông. Trên di ảnh vẫn ánh mắt hiền từ độ lượng đang mỉm cười nhìn Duy. Như thể, những lần Duy trở về nhà sau những ngày xa cách. Nếu còn sống, hẳn là ông sẽ ôm lấy Duy sờ nắn khắp người xem gầy hay béo. Ông sẽ giục Duy đi ra giếng tắm cho mát. Sẽ khoe cây nhãn trong vườn năm nay sai quả, hoặc con chó vàng mới đẻ 8 con. Ông lúc nào cũng thui thủi một mình lo cho người khác. Giờ con cháu quây quần thì ông đã đi xa. Duy bỏ ra vườn ngồi chỗ gốc cây ngày xưa 2 ông cháu vẫn mắc chõng đung đưa những trưa hè oi ả. Duy nhớ từng gốc cây ông trồng, giờ chúng đã xum xuê tỏa bóng. Những ngày tháng về sau chắc sẽ nhiều khó khăn nhưng nhất định Duy phải sống để cho ông có thể mỉm cười nơi chín suối.
Ngoài cổng vang lên tiếng chó sủa. Các cô dì, chú bác hàng xóm biết Duy về nên sang thăm hỏi, động viên. Ngoài sân sau, cả nhà đang làm cỗ, vừa là mừng Duy trở về, vừa là để gặp gỡ nhau ngày lễ. Những ngày như thế này, Duy càng nhớ ông hơn. Ông ơi…