Trợ lực để ngành sản xuất thực phẩm bứt phá

Theo xu hướng chung của thế giới, sản phẩm lương thực thực phẩm muốn có sức cạnh tranh và được người tiêu dùng chấp nhận buộc phải có yếu tố xanh. Tuy nhiên, để chuyển đổi sang xanh hóa, các doanh nghiệp (DN) ngành này rất cần được trợ lực.

Ngành chế biến lương thực thực phẩm hiện là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TPHCM, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng trưởng bình quân 7,04%/năm giai đoạn 2018-2022.

XHH 7B.jpg
DN thực phẩm buộc phải xanh hóa sản xuất mới có chỗ đứng trên thị trường

Riêng các tháng đầu năm 2024, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm của TPHCM tiếp tục có nhiều điểm sáng khi tiêu thụ tăng trưởng của ngành tiếp tục được duy trì ở mức 7%. Đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu tăng mạnh khi hầu hết các DN có đơn hàng đến hết tháng 12-2024, cá biệt có một số đơn vị đã nhận hàng đến hết quý 1-2025. Đặc biệt là sản phẩm lương thực thực phẩm của DN hiện đã được xuất khẩu đến 180 quốc gia trên thế giới, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm đạt 2,8 tỷ USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của TPHCM”, bà Lý Kim Chi đánh giá.

Dù ghi nhận sự tăng trưởng, song theo bà Lý Kim Chi, ngành lương thực thực phẩm của thành phố vẫn thiếu tính bền vững trong sản xuất. Cụ thể hơn, bà Chi cho biết, thị trường nội địa đang đối diện sức mua giảm - minh chứng là ngành lương thực vẫn ghi nhận tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nhưng mức tăng trưởng so với các năm lại không bằng.

Thực tế từ nhiều DN sản xuất lương thực thực phẩm như Vissan, Ba Huân, Xuân Nguyên… cũng cho biết, sức mua hiện tại còn ở mức thấp và chưa khuyến khích được DN, trong khi mức lương cơ sở tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng… cũng là khó khăn cho DN khi họ phải thực hiện bình ổn giá, giữ giá hàng hóa để có mức tiêu thụ ổn định.

“Sức mua của thị trường trong những tháng đầu năm 2024 không như kỳ vọng do người tiêu dùng vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi ngoài giữ giá còn phải thực hiện các hoạt động giảm giá sản phẩm và bán đa dạng trên các nền tảng từ trực tiếp đến trực tuyến”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, chia sẻ.

Không chỉ vậy, theo các DN, trong hoạt động xuất khẩu, hiện các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Một số thay đổi về hành vi tiêu dùng, xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và có yếu tố xanh.

“Với góc độ hiệp hội, chúng tôi đã phát cảnh báo tới các DN, trong năm 2025, nếu sản phẩm không có yếu tố xanh thì sẽ không thể xuất khẩu được vào một số thị trường này. Nhưng đến hiện tại, ngoài DN lớn như Vissan, Vinamilk… đa phần các DN nhỏ và vừa vẫn chưa hiểu nhiều về các tiêu chuẩn xanh, có DN chưa biết phải bắt đầu xanh từ đâu và khó khăn lớn nhất với họ là thiếu vốn”, bà Chi cho biết thêm.

Thông thường, những tháng cuối năm là mùa “làm ăn” của các DN chế biến lương thực thực phẩm TPHCM, bởi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm mạnh trong các dịp lễ, tết… Do vậy, các DN đang bắt tay chuẩn bị nguồn hàng với tâm thế chủ động đầu vào nhằm đảm bảo giá sản phẩm tốt nhất; đồng thời thực hiện các hoạt động kích cầu hưởng ứng “Tháng khuyến mãi tập trung 2024” của TPHCM. Thông qua các hoạt động này, DN chế biến lương thực thực phẩm TPHCM kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Theo chia sẻ từ các DN, nhiều DN phải đối diện với một số khó khăn như: quy định phải bổ sung vi chất vào thực phẩm khiến họ bị đội thêm chi phí, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cũng như tác động từ Nghị định số 100 đang tạo sức ép lớn cho DN.

Đối diện cùng lúc nhiều khó khăn, các DN thực phẩm mong mỏi các cấp có thẩm quyền, ngành ngân hàng hỗ trợ để DN tiếp cận vốn, chuyển đổi sang xanh hóa. Cụ thể là dành khoản vốn ưu tiên cho DN xuất khẩu thực hiện xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại… Đồng thời, các DN cũng kiến nghị TPHCM có quỹ hỗ trợ bảo lãnh cho DN nhỏ, siêu nhỏ được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, để qua đó từng bước chuyển đổi sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tin cùng chuyên mục