Trợ lực cho nghệ thuật đương đại

Dòng chảy nghệ thuật không ngừng phát triển, cùng với thẩm mỹ cộng đồng và thị hiếu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, cụm từ “nghệ thuật đương đại” ngày càng được quan tâm, nhất là với lớp khán giả gen Z.

Cùng với sự biến đổi liên tục của chất liệu trong sáng tạo tác phẩm, không gian dành cho nghệ thuật đương đại tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… ngày càng khẳng định được vị trí của mình như: VCCA, Sàn Art, Nhà sàn Collective, MoTplus, New Space Arts Foundation… Xu hướng của các nhà sưu tập, khán giả cũng bắt đầu trải nghiệm tác phẩm nghệ thuật cùng không gian nghệ thuật đương đại nhiều hơn, nhiều nghệ sĩ cũng đã khẳng định tên tuổi từ những không gian này.

Nhiều nhà sưu tập nghệ thuật chia sẻ, so với các quốc gia trong khu vực, nghệ thuật đương đại trong nước vẫn chỉ ở mức bắt đầu. Tuy nhiên, thị trường ghi nhận nhiều điểm sáng đáng chú ý, không ít nghệ sĩ Việt Nam tham dự những sự kiện triển lãm, lưu trú quốc tế… Một thực tế được nhiều nghệ sĩ nhìn nhận, việc tìm kiếm cơ hội lưu trú ở nước ngoài dễ hơn trong nước, bởi không gian và kinh phí cho những chuyến sáng tác được hỗ trợ liên tục.

Thông tin từ nhóm “Vietnam Artists Resource Group” (Hỗ trợ Nguồn lực cho Nghệ sĩ Việt Nam) cho biết, quỹ tài trợ lưu trú từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu diễn ra liên tục, mỗi năm có từ 2-3 quỹ. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ sáng tác nghệ thuật đương đại trong nước khá ít, có chưa đầy 5 không gian hỗ trợ sáng tác và triển lãm. Từ năm 2022 đến đầu năm 2023, chỉ có 2 không gian VCCA (Hà Nội) và Sàn Art (TPHCM) mở đợt tuyển nghệ sĩ lưu trú và hỗ trợ không gian sáng tác…

Bên cạnh thiếu nguồn lực và không gian cho nghệ thuật đương đại, hiện vẫn chưa có giải dành riêng cho nghệ thuật đương đại để ghi nhận nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ. Không gian nghệ thuật đương đại The Factory (TPHCM) tổ chức giải thưởng “Nghệ sĩ xuất sắc” của năm để ghi nhận những tác phẩm, dự án, nỗ lực của các nghệ sĩ đương đại… Nhưng sau giải thưởng năm 2021, The Factory gián đoạn hoạt động nên giải thưởng này cũng đứt đoạn.

Sự góp mặt của nghệ sĩ Việt Nam trong các sự kiện nghệ thuật đương đại như Documenta (Đức), Học viện Nghệ thuật Nanyang (Singapore) với sự có mặt của các nghệ sĩ Việt Nam như: Nguyễn Trần Ưu Đàm, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Trinh Thi… càng khẳng định sức sáng tạo và sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, để có những bước tiến đáng ghi nhận hơn trong đường dài, đòi hỏi cần có những nguồn đầu tư nhà nước, xã hội hóa, quỹ hỗ trợ nước ngoài… bởi “có thực mới vực được đạo”, nghệ thuật đương đại không thể mãi trong cảnh “trời sinh voi sinh cỏ” như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục