Bài 4: Không được lãng quên quá khứ
Ku Su Jeong, một cô gái người Hàn Quốc bảo vệ thành công luận án thạc sĩ chuyên ngành sử học “Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1964-1973)” tại Trường ĐH KHXH& NV TPHCM vào năm 2000. Việc cô làm và sự lý giải của cô cùng những thông tin gần đây trên phương tiện truyền thông quốc tế cho thấy một cái nhìn thấu đáo hơn về những vụ thảm sát.
Chiến tranh qua, tình người đến
Ku Su Jeong với dáng người gầy, khuôn mặt có phần tiều tụy do thiếu ngủ. Tất cả thời gian cô dành cho việc nghiên cứu và đi thực tế tại các tỉnh miền Trung, nơi mà trong chiến tranh lính Hàn để lại không ít đau thương… Trong nhà cô, một bức ảnh phóng to, đặt ở nơi trang nghiêm như bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình của người Việt. Đó là hình tấm bia tưởng niệm một vụ thảm sát ở miền Trung do lính Hàn gây ra. Sự thật về sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam; Tội ác ở Sơn Mỹ và đặc biệt là những vụ thảm sát của lính Hàn ở các tỉnh miền Trung đã tạo nên cơn sốt tại Hàn Quốc vào năm 1999 và kéo theo đó là chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam” vào năm 2000 do báo Hankyoreh, một tờ báo lớn ở Hàn Quốc phát động sau khi đăng tải loạt bài của Ku Su Jeong.
Như một đại sứ đơn độc trên hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh, Ku Su Jeong tâm sự: “Mỗi khi về Hàn Quốc, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những người có chung tấm lòng yêu hòa bình rồi lập thành một nhóm để cùng nhau sang Việt Nam, tìm về những vùng xảy ra thảm sát để nghe và thấy những gì mà lính Hàn đã gây ra. Chúng tôi đều mang tấm lòng thành thật”. Lời tâm sự của cô làm tôi nhớ lại lời của ông Phạm Kình, người duy nhất trong dòng họ Phạm sống sót sau vụ thảm sát Trường Thạnh, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định: “Trước đây có một cô gái Hàn Quốc đến đây với mấy người nữa. Cô cho tôi một gói bánh, tôi không ăn mà để lên bàn thờ rồi thắp ba nén nhang”.
Ông Trần Văn Châu, người sống sót trong vụ thảm sát Nho Lâm, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định vào ngày 23-3-1966 lại có một kỷ niệm khác: Ông xếp ngay ngắn cả chục chiếc quần mà một nhóm người Hàn Quốc tặng rồi cất ở dưới tủ thờ, phía trên là di ảnh của mẹ ông và những người thân trong gia đình, nạn nhân của vụ thảm sát. Ông Châu nói chân tình: “Chuyện qua thì cũng đã qua, mấy cái quần này chẳng thể bù đắp nỗi đau. Tôi cất làm kỷ niệm. Kỷ niệm về những người Hàn Quốc đã đến đây sau gần 40 năm xảy ra vụ thảm sát”. Trong đoàn người Hàn Quốc đến Nho Lâm lần đó cũng có Ku Su Jeong.
Vài dòng lý giải
Ku Su Jeong lý giải sự can dự của quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam từ rất nhiều nguồn thông tin. Cô có nhiều chuyến thực tế dài ngày ở những khu vực mà quân đội Hàn Quốc đóng quân trong thời gian tham chiến tại Việt Nam. Theo như tướng Mỹ, Westmoreland, Mỹ chủ yếu sử dụng quân đội Hàn Quốc như những trợ thủ đắc lực nhằm tiến hành kế hoạch tác chiến “Tìm diệt”. Các cuộc thảm sát thường dân đã xảy ra trong quá trình thực hiện những lần tác chiến này.
Một trong những chiến dịch nổi bật trong thời kỳ này là “Chiến dịch Phượng Hoàng” do biệt kích Mỹ chỉ huy, trong đó có sự phối hợp với quân đội Hàn Quốc. Chiến dịch nói trên đã giết sạch, không phân biệt “Việt cộng” hay thường dân trong khu vực tác chiến nhằm mục đích phá hủy toàn bộ các căn cứ của “Việt cộng”. Kết quả, có khoảng 40.000 thường dân Việt Nam bị giết hại. Sau chiến dịch “Phượng Hoàng”, là chiến lược “Tiêu thổ”. Chiến lược “Tiêu thổ” được tiến hành bằng cách cho không quân Mỹ ném bom rải thảm xuống khu vực tác chiến, sau đó bộ binh (chủ yếu là quân đội Hàn Quốc) thực hiện nốt việc giết sạch những người còn sống sót, rồi dùng xe ủi sạch tất cả nhằm biến nơi đó thành vành đai trắng. Ku Su Jeong cho rằng, dưới sự chỉ huy của tướng Westmoreland, quân đội Hàn Quốc đã thực hiện những tác chiến trên gây ra các vụ thảm sát.
Với những vụ thảm sát do lính Mỹ gây ra, số thường dân Việt Nam bị giết hại lớn hơn nhiều so với số được công bố trước đây - theo các tài liệu của quân đội Mỹ được nhật báo Los Angeles Times giải mật và đăng tải ngày 6-8-2006. Tài liệu này cung cấp chi tiết về 320 vụ việc đã được cơ quan điều tra của quân đội Mỹ xác minh và có những bằng chứng cụ thể. Tuy vậy, hồ sơ này không nhắc tới tội ác ghê rợn nhất được biết đến dưới cái tên “vụ thảm sát Mỹ Lai” - trong đó các binh lính Mỹ đã hãm hiếp phụ nữ và bắn chết 503 thường dân, đa số là phụ nữ, trẻ em và người già của làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo tài liệu này, các vụ tấn công nhằm vào thường dân Việt Nam được lặp lại nhiều lần. Hàng trăm lính Mỹ trong các cuộc trả lời điều tra viên và những lá thư gửi cấp trên, đã miêu tả về một bộ phận binh lính và chỉ huy hung bạo, tàn ác, những kẻ sẵn sàng giết người, cưỡng hiếp, tra tấn. Theo tờ Los Angeles Times, các vụ này không chỉ gây ra bởi một vài đơn vị lính Mỹ mà là khắp nơi.
Xin được mượn lời cô gái Hàn Quốc nặng lòng với những nạn nhân của các vụ thảm sát trong chiến tranh ở Việt Nam để kết thúc loạt bài này: “Sau hơn 30 năm giải phóng, thống nhất đất nước, tổng số vụ thảm sát và số người bị giết hại do quân đội Hàn Quốc gây ra ở miền Trung Việt Nam vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Việc tìm ra con số xác thực về những mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, thiết nghĩ nên có một cuộc điều tra lại một cách toàn diện và khoa học để kết quả trên thật chính xác nhằm giúp thế hệ sau có thể rút ra được thêm những bài học bổ ích từ cuộc chiến vừa qua”.
Bá Tân
Bài liên quan:
- Bài 1: Vết sẹo thành rãnh trên thái dương
- Bài 2: Thoát chết trong gang tấc
- Bài 3: Vùng đất bị lãng quên