Chúng tôi thấy được điều này qua một số điểm bán bánh mì, xôi trên đường Quang Trung, Tân Sơn (quận Gò Vấp), Cộng Hòa (quận Tân Bình), Ba Tháng Hai (quận 10)…; tương tự là sản phẩm lá gói thực phẩm cũng xuất hiện trở lại trong siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác.
Chủ động chuyển mình
Mới đây, trên mạng lan truyền các điểm bán bánh mì, rau củ tại TPHCM được gói hoặc bó bằng lá chuối, trông rất hấp dẫn. Trước đó, một số khu vui chơi giải trí trên địa bàn quận 9 cũng bán trái cây tươi tặng kèm túi cói để khách dễ dàng sử dụng nhiều lần. Bạn Minh Lan, công tác tại một cơ quan trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TPHCM), kiêm kinh doanh rau quả sạch trực tuyến, chia sẻ: “Khách hàng trẻ rất chuộng những sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện môi trường. Bó rau, đậu que bằng lá chuối, sau đó cột lại bằng lạt mềm hoặc dây chuối khô khiến khách thích thú”. Chưa kể, có một số thương hiệu hoa tươi cũng thử nghiệm bó hoa bằng lá chuối, lá sen để ghi nhận ý kiến người mua.
Anh Phương Thế Anh, sống ở TPHCM, vừa có chuyến du lịch tại Thái Lan cho biết, nhiều khách sạn lớn thuộc thủ đô Bangkok dùng lá chuối để bày các món ăn, tạo điểm nhấn cho không gian ẩm thực. Riêng những món ăn như thạch rau câu, bánh, khách sạn sử dụng tăm tre để xiên, thay vì dùng nĩa. Tại TPHCM, trong các sự kiện du lịch lớn, nhiều món ăn dân dã được trang trí khéo léo bằng lá chuối, lá sen giới thiệu đến bạn bè khắp năm châu. Xu hướng này ngày càng lan rộng. Theo khẳng định của một chuyên gia ẩm thực, thế giới đã thay đổi và bản thân mỗi quốc gia cũng chủ động chuyển mình để không tụt lại phía sau. Các bạn trẻ chính là người nhanh nhạy trong sự thích nghi này.
“Từ ngàn đời nay, bà con ta đã sử dụng lá chuối, lá dong gói bánh chưng, bánh tét, gói xôi; làm lớp lót cho các mẹt bún đậu mắm tôm, bánh đúc… Thế nhưng, từ khi đồ ăn công nghiệp ra đời, cũng như sự phát triển ồ ạt của túi ni lông, hộp xốp, chén dĩa sử dụng một lần, người tiêu dùng dường như quên mất một thời dùng lá xanh, vừa dân dã lại vừa an toàn. Cách đây một, hai tháng, nhiều người đã lên tiếng lo ngại vì xu hướng này sẽ “sớm nở tối tàn” vì thiếu vùng nguyên liệu lá xanh, chi phí lại cao hơn các sản phẩm từ nhựa. Nhưng nay, tôi đã thấy xu hướng “xanh hóa” trở lại và mạnh mẽ hơn, từ siêu thị nhà hàng ra đường phố. Đó là tín hiệu vui”, chị Nguyễn Thanh Toàn (đường Võ Văn Tần, quận 3), chia sẻ.
Khuyến khích nhân rộng
Chính áp lực về môi trường sống, không khí bị ô nhiễm đang tác động trực tiếp đến mỗi cá nhân, gần nhất là tình trạng không khí lờ mờ sương phủ, bao bọc các quận huyện vài ngày nay trên địa bàn TPHCM nói riêng, nhiều địa phương khác của Việt Nam nói chung. Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng này được chỉ ra rằng, do khói bụi, ô nhiễm từ các nhà máy công nghiệp, từ cháy rừng ở nước bạn bay qua…, nhưng tựu chung, phần lớn do “nhân tai”.
“Cứ nhìn cảnh những túi ni lông, vỏ hộp, chai lọ đủ loại trôi lềnh bềnh ở các kênh, rạch của TPHCM, không ít người, dù vô tâm nhất, cũng giật mình thảng thốt: Ta phải làm gì cho mai sau từ hôm nay?”. Tâm sự này được bạn Mai Thị Hạnh Nên là giáo viên ngụ tại Đắk Nông, chia sẻ trên một diễn đàn khuyến khích dùng túi cói, sử dụng các loại lá để gói thực phẩm. Như Nên dẫn chứng, một số địa phương của Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng ngập úng, lụt. Trước đây rất hiếm. Điều này do chính con người chặt phá, hủy hoại rừng không thương tiếc. Tương tự, nếu tiếp tục thải ra môi trường túi nhựa, túi xốp thì môi trường sống sẽ càng tệ hơn. “Do vậy, đối với các em học sinh, mình luôn khuyến khích tự làm đồ thủ công bằng tre, nứa, lá… sẵn có. Mình cũng động viên các bạn sử dụng đồ ăn có gói lá, đựng túi cói, thay vì túi ni lông. Tác động và nâng cao ý thức cho trẻ nhỏ là việc làm hữu hiệu nhất mình có thể triển khai. Bởi muốn thay đổi nhận thức của mỗi người không phải chuyện một sớm một chiều”, Hạnh Nên nói.
Rảo một vòng qua các siêu thị lớn tại TPHCM, dễ nhận thấy, ở các quầy rau củ quả, thực phẩm, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường đang được nhân rộng. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá về xu hướng này ở Việt Nam là “sáng tạo, linh hoạt, thích ứng tốt trong việc bảo vệ môi trường”. Tuy vậy, nhiều người nhìn nhận, không chỉ khuyến khích đơn thuần mà cần có chế tài trong việc sử dụng sản phẩm nhựa. Điển hình như Thái Lan, quốc gia này phấn đấu tái chế 100% rác thải nhựa vào năm 2027, đồng thời chuẩn bị các cơ chế pháp lý phù hợp đối với việc sử dụng hạt vi nhựa, nắp nhựa, nhựa có gốc từ dầu mỏ…
Chúng tôi đã nhìn thấy không ít bà nội chợ lỉnh kỉnh với giỏ cói và hộp mây để đựng đồ ăn; những gói lá cột thịt, cá treo tòn ten trên xe máy… để thấy rằng, xu hướng “xanh hóa” đã trở lại, lợi hại hơn xưa.