Trở lại sóc Bom Bo

Đã hơn 5 năm chúng tôi mới có dịp trở lại sóc Bom Bo - nơi ra đời bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng (phổ thơ Hồng Sơn) và lần này, chúng tôi mới có dịp trải nghiệm không gian lãng mạn của đêm trăng, dưới ánh đuốc lồ ô, trai gái đồng bào dân tộc thiểu số giã gạo nuôi quân trong những năm kháng chiến gian khổ. Và cùng với đó là những cảm nhận về một huyện Bù Đăng đầy khát vọng đi lên từ sự tự tin của một quá khứ hào hùng.

Đội văn nghệ ở Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng trình diễn điệu múa truyền thống
Đội văn nghệ ở Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng trình diễn điệu múa truyền thống

Vũ điệu đêm rừng

Chiếc xe Ford 16 chỗ chậm rãi lăn bánh đưa chúng tôi trở lại Khu bảo tồn văn hóa dân sộc S’tiêng (Khu bảo tồn) ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Từ ngã ba Minh Hưng (quốc lộ 14) rẽ vào, những xóm nhà xây kiên cố, khang trang nối tiếp nhau nằm dọc 2 bên đường nhựa nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của cây trái, những vườn sầu riêng, cà phê, điều… trải dài nối tiếp nhau trông thật thích mắt. Phía bên phải là dòng sông Lấp chở nặng phù sa chảy từ cao nguyên về đang phơi mình dưới nắng chiều, làm người ta liên tưởng đến những vụ mùa bội thu cho các địa phương mà con sông này chảy qua, trong đó có xã Bình Minh.

Chiếc xe không thể đi nhanh bởi đường vừa đông người, xe qua lại và mặt đường bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ gà to tướng. Anh Vũ Phú Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Bù Đăng, cho biết, đoạn đường này do phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tài trợ kinh phí, đưa vào sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp, đang được UBND huyện chỉ đạo vá ổ gà để kịp phục vụ lễ hội “Vang mãi tiếng chày Bom Bo” sẽ diễn ra trong tháng 11-2024.

Chiếc xe vòng vèo leo dốc chở chúng tôi đến với khu lễ hội nằm ở phía sau nhà trưng bày, trong khuôn viên Khu bảo tồn, trên một quả đồi cao. Từ đây, du khách có thể thu vào tầm mắt khung cảnh núi non hùng vĩ và làng mạc trù phú của vùng đất cuối dãy Trường Sơn. Chúng tôi được thông báo là tối nay sẽ có đội văn nghệ của Khu bảo tồn gồm các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số biểu diễn gọi là “cây nhà lá vườn”.

Ngồi cạnh anh Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, chúng tôi được cung cấp thêm một số thông tin về lễ hội sắp tới và hiểu thêm về một vùng Bù Đăng “đất lành chim đậu” với sự có mặt của 31 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất bom đạn cày xới năm xưa. Dân số toàn huyện là 143.914 người (cuối năm 2023), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40% chính là nguồn tài nguyên văn hóa rất quan trọng cho phát triển bền vững.

Đêm càng về khuya, không khí lễ hội càng đậm đặc khi không gian rừng núi được tái hiện. Một bó củi lớn được đốt lên ở giữa sân, đội văn nghệ gồm các nam thanh nữ tú là người địa phương, có cả già làng lần lượt chào khách và biểu diễn các bài cồng chiêng cùng vũ khúc của đồng bào dân tộc S’tiêng trong ánh lửa bập bùng. Xuyên suốt trong chương biểu diễn trong đêm là các điệu múa trên nền bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo với các động tác giã gạo, sàng gạo vừa mạnh mẽ vừa mềm mại được dàn dựng công phu mang đến cho du khách một vũ điệu đêm rừng say đắm.

Là điểm cuối trên hành trình khám phá Đông Nam bộ và là cửa ngõ tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên thông qua quốc lộ 14, với nhiều tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; huyện Bù Đăng đã mạnh dạn tổ chức lễ hội văn hóa du lịch “Vang mãi tiếng chày Bom Bo”. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ 8 đến 10-11 sắp tới) với địa điểm chính là Khu bảo tồn và trong tương lai sẽ nâng lên tổ chức lễ hội quy mô cấp tỉnh, định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần nhằm mang đến một điểm đến trên hành trình khám phá của du khách khi đến với vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.

Điểm đến văn hóa du lịch liên vùng

Trở lại trung tâm thị trấn Đức Phong, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cung cấp thêm những số liệu kinh tế - xã hội giúp phác họa diện mạo một Bù Đăng trên đường phát triển. Sau chiến tranh, Bù Đăng là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Sông Bé (cũ) với bộn bề khó khăn. Anh Lưu ví von: “Ngày mới giải phóng, Bù Đăng là huyện 4 không: không điện, không đường, không trường, không trạm” nhưng nay đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Hiện toàn huyện có 54/61 trường học do huyện quản lý thì 36 trường đạt chuẩn quốc gia; nhờ được sự đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, từ ngân sách tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của người dân; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm sâu, hiện có 259 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 87 triệu đồng/ người; tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 5,9; phong trào “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được triển khai sâu rộng trong khu dân cư và công tác bảo tồn di sản văn hóa thu được nhiều kết quả nổi bật, khơi dậy tiềm năng phát triển văn hóa du lịch.

Bù Đăng là huyện phát hiện được nhiều bộ đàn đá nhất của tỉnh Bình Phước lẫn cả nước. Từ năm 1996 đến nay, giới văn hóa đã công nhận 3 bộ đàn đá được tìm thấy tại Bù Đăng, gồm 1 bộ từ đá tự nhiên chưa qua chế tác (hiện trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Phước), 1 bộ gồm 7 thanh có niên đại hàng ngàn năm (đang lưu giữ ở Bào tàng tỉnh Tiền Giang) và 1 bộ phát hiện năm 2020 gồm 25 thanh, đang được trưng bày ở Khu bảo tồn để phục vụ khách tham quan. Với việc tìm thấy nhiều bộ đàn đá, giới chuyên môn nhận định có khả năng Bù Đăng chính là xưởng chế tác đàn đá thời nguyên thủy.

Nằm trong cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên, đồng bào S’tiêng ở Bù Đăng vẫn còn lưu giữ được vốn văn hóa cồng chiêng đặc sắc với các điệu chiêng truyền thống tấu lên vào các dịp lễ hội mừng lúa mới, nhà mới, lễ hội đâm trâu… Đặc biệt, đến với Khu bảo tồn, du khách được chiêm ngưỡng bộ cồng, chiêng có kích thước lớn nhất Việt Nam. Cùng với văn hóa cồng chiêng, về sóc Bom Bo, Bù Đăng hôm nay, du khách còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa lẫn ẩm thực các vùng miền trên cả nước.

Trong chuyến công tác, chúng tôi ngủ lại đêm ở khách sạn Ngân Hà ngay trung tâm thị trấn, có tất cả 39 phòng vừa được nâng cấp nên phòng ốc tinh tươm, rộng rãi. Nhân viên khách sạn cho biết, trong năm, nhiều thời điểm khách sạn kín phòng, không đủ phòng cho khách. Đó là nhờ vị trí địa lý của Bù Đăng nằm trên trục quốc lộ 14 huyết mạch giữa khu vực Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, có đường giao thông thuận tiện qua các huyện phía Nam của Lâm Đồng và dân cư đến từ hàng chục địa phương trên cả nước đã mang lại nguồn khách ổn định.

Tin cùng chuyên mục