Cũng đến hơn 4 năm chúng tôi mới trở lại Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Từ một bản làng tranh tre nứa lá, nhờ sự tài trợ của Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, Báo Sài Gòn Giải Phóng, hơn 3 tỷ đồng mà Làng Ho của người Vân Kiều đã thực sự đổi thay. Sau cú hích đó là điện sáng về tận bản ở Tây Trường Sơn khiến cuộc sống khác trước rất nhiều.
Ân tình từ 37 căn nhà
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy đánh giá, hiếm có một cơ quan báo chí nào như Báo Sài Gòn Giải Phóng vận động tài trợ làm mới nhà cửa cho toàn bộ một bản, biến nơi heo hút nhà mái lá vách nứa thành bản kiểu mẫu rồi xây tặng trạm xá dân quân y kết hợp chữa bệnh không chỉ người dân của bản mà người dân các bản khác và đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị cũng được hưởng lợi.
Hồ Bạch, Bí thư chi bộ bản Làng Ho dẫn khách đi một vòng quanh bản rồi nói: “Hơn 4 năm rồi mà 37 căn nhà của Báo Sài Gòn Giải Phóng tặng dân bản vẫn còn như mới, vách gỗ vững chắc, tấm biển trên mỗi căn nhà là tấm lòng của anh em miền Nam gửi tặng mà dân bản không thể nào quên”.
Bà Hồ Thị Mó ở trong căn nhà giữa bản, vừa khơi lại bếp lửa vừa tâm sự: “Từ ngày được ở nhà mới, mưa bão đã hết lo. Người dân trong bản không còn cảnh chạy khỏi nhà mỗi lần thiên tai. Mùa đông gió lùa thì ấm hơn ở trong nhà vách nứa xiêu vẹo”.
Cụ Hồ Mia cười rung cả chòm râu: “Không có bản làng nào ở Tây Trường Sơn cùng một lúc có 37 căn nhà mới như Làng Ho. Khi cúng giỗ tổ tiên, đất trời, với Giàng dân bản năm nào cũng khấn để cả bản được ở nhà kiên cố là từ anh em miền Nam xin cho, nghĩa tình khó cạn như con suối Ho đầu bản”.
Dự án bản kiểu mẫu Làng Ho do Báo Sài Gòn Giải Phóng tài trợ xây dựng 37 căn nhà sàn truyền thống theo ý kiến của các già làng Vân Kiều, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, xây dựng trạm xá dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ, xây dựng 37 căn nhà vệ sinh, mỗi hộ khi đón nhà mới được tặng 500.000 đồng tiền mua giống, tổng trị giá đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Hồ Bạch nói: “Thật sự đây là một cú hích rất lớn với Làng Ho, nếu không có món quà này, bà con Vân Kiều vẫn phải tìm cách làm nhà mới, nhưng nay có nhà được tặng như thế thì hơn 4 năm qua, thay vì làm nhà, dân bản đầu tư vào nương rẫy để xóa đói giảm nghèo”.
Ánh điện văn minh
Trưởng bản Làng Ho, Hồ Hùng kể: “Khi có nhà mới thì cuộc sống thông thoáng hơn, năm 2016 điện sáng kéo về tận bản. Cũng gần hai năm có điện mà Làng Ho thật sự khác trước”. Cụ Hồ Vai nói: “Ánh điện đưa cho dân bản cái sáng, vừa sáng trong đêm giữa rừng, vừa sáng trong cái đầu. Nhiều nhà mua ti vi, xem cách làm rẫy hiệu quả, xem miền xuôi làm ăn mà học hỏi. Ngày trước thắp đèn dầu chủ yếu uống rượu rồi ngủ. Bữa nay có điện thì lo lao động để có lương thực, tránh ỷ lại không tốt”.
Hồ Bạch nói thêm: “Hiện bản có 42 hộ, một số hộ vừa tách ra riêng vì trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi lấy chồng. Bản có 167 khẩu. Qua hai năm có điện, dân bản phấn đấu cũng mua được 14 cái ti vi vừa để xem giải trí nhưng cũng vừa bổ sung kiến thức chăn nuôi trồng trọt để làm ăn”.
Bà Hồ Thị Măn vừa ngồi xem ti vi trên nhà sàn vừa tâm sự: “Có nhà mới mừng cái bụng, có điện mừng cái bụng, có ti vi mừng cả bản. Nhà ai chưa có ti vi thì phấn đấu lao động để mua sắm, nhà ai có rồi thì tối lại mời dân bản đến xem. Điện sáng đưa văn minh lên Trường Sơn, ai cũng vui thích”.
Bộ đội biên phòng Dương Công Dũng phụ trách địa bàn nói: “Làng Ho được tài trợ điện từ đoàn kinh tế quốc phòng 79 thuộc Binh đoàn 15. Nếu nhà ở của Báo Sài Gòn Giải Phóng xây tặng là cuộc cách mạng xóa mái tranh nghèo ở đây thì điện sáng là cuộc cách mạng mở mang kiến thức cho bà con qua kênh truyền hình và đài radio. Ý thức của dân bản được nâng cao rõ rệt. Vài năm nữa chắc chắn bà con Vân Kiều sẽ khởi sắc hơn nữa”.
Trong căn nhà của Bí thư chi bộ Hồ Bạch, ngày trước nghèo khó, bây giờ gia đình anh “cự phách” nhất bản vì biết làm ăn khi có điện. Bạch vay mượn về xuôi mua tủ đông làm đá lạnh, làm kem bán giữa núi rừng Tây Trường Sơn. Bạch nói: “Ngày trước không ai biết cái kem hay đá lạnh, từ ngày có điện em mạnh dạn mua tủ làm đá, làm kem về mà dân bản được thưởng thức đồ lạnh giữa mùa hè, ai cũng ưng cái bụng”.
Bạch còn cho biết thêm, khi Báo Sài Gòn Giải Phóng tài trợ nhà văn hóa, mỗi năm cứ đến lễ Quốc khánh 2-9 hoặc tết, rồi mừng mùa cơm mới, thanh niên Vân Kiều lại tổ chức chơi các trò thể thao truyền thống.
Làng Ho trên Tây Trường Sơn xa ngái, nhưng nay không còn xa ánh điện, hay xa văn minh thế giới. Bà con đang dần hội nhập và nói như Hồ Bạch: “Dân bản ai cũng tin rằng cuộc đời sẽ dần đổi thay tốt hơn trước đây”.