Ngày 12-2-2004, UBND TPHCM có Quyết định 573/QĐ-UB giao đất đầu tư dự án Khu đô thị mới An Phú Hưng cho Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư.
Dự án được tư vấn thiết kế bởi Công ty HOK (Mỹ), với định hướng hình thành khu đô thị, thương mại và dịch vụ, đồng thời là cụm công nghiệp sạch, An Phú Hưng sẽ là khu đô thị vệ tinh ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Dự án có tổng diện tích 664,6ha, trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì. Khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ xây dựng An Phú Hưng không thua kém Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), bởi khu vực này có lợi thế về độ cao, ruộng vườn thiên nhiên hầu hết còn nguyên, dấu ấn đô thị hóa chưa chen chân vào. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm gặp khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, dự án gần như giậm chân tại chỗ; đến năm 2016, UBND TPHCM có quyết định xóa bỏ chủ trương đầu tư dự án này.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, cho biết sau khi UBND TPHCM có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án, UBND xã tổ chức họp dân để thông báo mọi quyền lợi của người dân có đất được đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật. “Ngoài dự án Khu đô thị mới An Phú được xóa treo, trên địa bàn xã còn có dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế do nhà đầu tư đến từ Malaysia làm chủ đầu tư với diện tích 880ha, nhưng dự án này cả chục năm qua chưa thấy triển khai gì”, ông Đặng Thanh Xuân nói thêm.
Theo bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, một số khu vực của huyện đã được phủ quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Do vậy, khi xóa quy hoạch dự án thì một số nơi vẫn bị chi phối bởi quy hoạch 1/2000, nên nhà người dân có thể lọt vào khu dân cư hiện hữu hoặc cũng có thể rơi vào khu quy hoạch cây xanh…
Dọc kênh Trung Ương, nhiều căn nhà xập xệ tạm bợ vẫn chưa được người dân sửa chữa. Anh Ba Tiến (ngụ xã Tân Thới Nhì) cho biết, sau khi xóa treo thì người dân đã được chuyển nhượng, sửa chữa hay mua bán nhà đất, nhưng do cơ sở hạ tầng nơi đây chưa được đầu tư nâng cấp nên người dân vẫn để vậy. Cuộc sống của người dân trong vùng xóa treo chủ yếu vẫn bám vào đồng ruộng, cắt cỏ về nuôi bò. Phần lớn diện tích đất vẫn còn bỏ hoang, lãng phí.