Trở lại châu Phi

Phát biểu trước báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington (Mỹ) hồi tháng trước, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell thừa nhận: “Ở châu Phi, người dân rất ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington DC., Mỹ ngày 9-7-2024. Ảnh: THX/TTXVN
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington DC., Mỹ ngày 9-7-2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thực tế, một báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển chính trị Đức (DIE) cho thấy, từ năm 2014, Nga đã gia tăng đáng kể sự can dự vào châu Phi. Chỉ trong 10 năm, Nga đã thành công trong việc tái lập ảnh hưởng quân sự và ngoại giao tại lục địa đen.

Theo báo Pháp Le Monde, Điện Kremlin đã biết cách tận dụng di sản của thời kỳ chống thực dân và các phong trào giải phóng của Liên Xô cũ, cùng với sự chủ quan của Pháp và sự rút lui của Mỹ sau thất bại trong chiến tranh Iraq. Tính đến mùa thu năm 2019, Nga đã kết thúc thỏa thuận hợp tác với 21 nước châu Phi và đang đàm phán về việc thành lập các căn cứ quân sự ở một số quốc gia.

Nỗ lực tiếp tục từ năm 2020 tại các nước Sahel (Mali, Burkina Faso, Niger) và dần mở rộng tầm ảnh hưởng sang miền đông Libya và Chad. Trong 24 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin chỉ đến thăm lục địa châu Phi ba lần nhưng ông đã sắp xếp việc Nga quay trở lại đó sau thời gian dài vắng bóng do sự sụp đổ của khối Xô Viết. Tuy Tổng thống Nga ít công du tới châu Phi nhưng các nhà lãnh đạo châu Phi lại thường xuyên thực hiện chuyến đi tới Moscow hoặc Sochi.

Theo giới quan sát, cũng như các nước lớn khác, chiến lược của Nga ở châu Phi là kết hợp giữa bán vũ khí, hỗ trợ chính trị và hợp tác an ninh để đổi lấy cơ hội kinh doanh và tăng cường sự ủng hộ các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga.

Sự hỗ trợ của các đồng minh châu Phi đặc biệt quan trọng với Nga tại Liên hiệp quốc, khi các nước châu Phi chiếm 1/4 tổng số phiếu bầu tại Đại hội đồng. Đây là một trong những sự thay đổi địa chiến lược ngoạn mục nhất trong thập kỷ qua, nhưng, vẫn theo báo Le Monde, đây lại là sự thay đổi mà người phương Tây ít chú ý nhất.

Tin cùng chuyên mục