Trở lại châu Phi

Với hơn 1 tỷ dân và giàu tài nguyên thiên nhiên, châu Phi hiện trở thành một điểm đến hấp dẫn. Sự kiện Công ty RT Global Resources của Chính phủ Nga vừa trúng thầu dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 3 tỷ USD tại Uganda được cho là một trong những bước tiến mạnh mẽ của Mátxcơva trong nỗ lực hồi sinh quan hệ với lục địa đen. Đối với Uganda, đây là dự án mang lại giá trị kinh tế cao khi nước này có thể sở hữu một nhà máy lọc dầu có công suất sản xuất 60.000 thùng dầu/ngày, được khai thác từ một mỏ dầu mới được phát hiện tại biên giới phía Tây Cộng hòa dân chủ Congo.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiến hành chuyến công du tới các quốc gia châu Phi như Nam Phi, Zimbabwe… Ngoại trưởng Nga đã nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của các quốc gia này cùng với các hợp đồng hợp tác đầu tư khai thác khoáng sản và năng lượng. Châu Phi đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ Mátxcơva nhắc nhở mọi người về một siêu cường Nga từng hiện diện tại châu lục này. Giới truyền thông Nga cho rằng sau nhiều năm hợp tác với Trung Quốc, nhiều nước châu Phi đã nhìn thấy mặt trái của nó và chào đón sự trở lại của Nga, gồm cả những nước đồng minh của Trung Quốc như Zimbabwe, Angola.

Theo ông Keir Giles, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng hoảng của Anh, hiện Mátxcơva đang quan tâm đến việc thúc đẩy “quyền lực mềm” tại châu Phi. Trong cuộc đua trở lại châu Phi, việc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cũng như các cường quốc mới nổi đang tìm cách vẽ lại bản đồ ảnh hưởng ở châu lục này trở thành thách thức lớn đối với nước Nga.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác năng lượng, khoáng sản, giới chức Mátxcơva đang đẩy mạnh việc hợp tác kỹ thuật - quân sự với nhiều quốc gia châu Phi. Công ty hệ thống phòng không Almaz-Antei của Nga đang hướng tới cung cấp hệ thống phòng không hiện đại sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang thực hiện việc cấm vận vũ khí đối với Mátxcơva. Trong bối cảnh nước Nga đang vướng phải lệnh trừng phạt của châu Âu, buộc nước này phải mở rộng hướng xuất khẩu vũ khí sang các thị trường khác thì khả năng châu Phi được Nga ưu đãi về giá là hoàn toàn có thể. Thống kê cho thấy, gần đây Nga chiếm đến 11% lượng vũ khí quan trọng cung ứng cho các quốc gia thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara của châu Phi. Ông Dmitri Bondarenko, Phó Giám đốc Học viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tại Mátxcơva, cho rằng mục đích hàng đầu của các doanh nghiệp Nga hiện nay là giành lợi thế cạnh tranh trên thương trường vũ khí toàn cầu.

Trong bối cảnh Nga đang bị siết chặt cấm vận, Bộ Phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2015, khi ước tính GDP sẽ giảm 3% nếu giá dầu cả năm ở mức 50 USD/thùng. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Nga giảm xuống 0,6%, so với mức 1,3% của năm trước đó. Chính phủ Nga đang tìm cách đưa Mátxcơva thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng. Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Mátxcơva là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên. Vì vậy, việc tìm hướng ra cho nền kinh tế thông qua hình thức đầu tư ở nước ngoài, tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác ngoài Mỹ và châu Âu, đặt trọng tâm chính sách ngoại giao tại châu Phi, được cho là một trong những chính sách ngoại giao linh hoạt của Điện Kremlin.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục