Theo Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi có nhu cầu sẽ được tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí. Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kỳ ai cũng được hưởng quyền này.
Tuyên chưa sâu, truyền chưa rộng
Trong năm 2009, từ sự đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng và người dân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM (viết tắt Trung tâm TGPL) đã cử luật sư – cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng 412 vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính cho các đối tượng thuộc diện TGPL; đại diện ngoài tố tụng 7 trường hợp. Trong số này, có 80% là người chưa thành niên, 15% người thuộc diện nghèo, 5% là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả trên còn quá thấp so với số người có nhu cầu được TGPL.
Nguyên nhân chính khiến hiệu quả TGPL bị hạn chế là do công tác phổ biến, tuyên truyền chưa sâu rộng. Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn thành phố vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TPHCM nêu thực tế: Có địa phương thay vì đặt bảng thông tin về TGPL tại trụ sở UBND xã, phường để người dân tiện đọc thì lại đặt ở… nhà văn hóa – nơi mà người nghèo rất ít khi đặt chân đến.
Ngoài ra, do tâm lý e dè nên người dân ít khi tìm đến Trung tâm TGPL để nhờ giúp đỡ, trong khi cán bộ TGPL lại thường chờ người đến nhờ tư vấn chứ chưa chủ động xuống địa phương tìm hiểu. Là hội thẩm nhân dân, từng tham gia xét xử không ít vụ án, bà Mai kể: “Có những trường hợp, qua quá trình kiểm tra lý lịch bị cáo tại phiên tòa, hội đồng xét xử mới biết bị cáo thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý nhưng lại không có luật sư bào chữa tại tòa. Đa số những trường hợp này bị cáo ngụ ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Trong lĩnh vực dân sự, có những vụ việc tranh chấp mà đương sự thuộc diện được TGPL nếu được tư vấn pháp luật ngay từ đầu thì đã có thể hòa giải chứ không để đến mức phải đưa ra tòa, rồi sau đó bị cơ quan thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế”.
Đồng tình với nhận định trên, đại diện TAND TPHCM đề xuất đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, loa phóng thanh tại địa phương. Đặc biệt là cần bổ sung thêm vào luật tố tụng dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình… một quy phạm mới với nội dung: “Trường hợp người tham gia tố tụng là đối tượng được TGPL theo quy định của pháp luật thì phải được giải thích và hướng dẫn tiếp cận thông tin về quyền được TGPL”.
Cần sự đồng hành từ cơ quan tố tụng
Một nguyên nhân khác khiến hoạt động TGPL gặp khó khăn là thiếu sự phối hợp từ một số cơ quan tiến hành tố tụng. Ông Hà Phước Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại TPHCM cho biết: “Có một số trường hợp đối tượng được TGPL là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nhưng khi đưa ra xét xử thì bị cáo đã đủ 18 tuổi, tòa án cho rằng bị cáo đã thành niên nên không thông báo cho luật sư là cộng tác viên của Trung tâm TGPL biết để tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, có tòa án “làm khó” bằng cách yêu cầu luật sư phải xuất trình giấy giới thiệu của văn phòng luật sư dù đã có quyết định của Trung tâm TGPL cử tham gia tố tụng. Yêu cầu này không phù hợp với Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT của liên ngành Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – VKSND tối cao – TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều về TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự”…
Bên cạnh đó, còn có điều tra viên nhận thức rằng trợ giúp viên pháp lý không phải là luật sư nên không được tham gia tố tụng để TGPL cho bị can là vị thành niên khi thực hiện hành vi phạm tội với lý do trợ giúp viên pháp lý không thuộc đối tượng Bộ luật Tố tụng hình sự quy định được bảo vệ quyền lợi cho người tham gia tố tụng…
Hoạt động TGPL nhằm tạo điều kiện cho những người ít có khả năng về tài chính vẫn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật nơi người dân. Một khi những hạn chế nêu trên chưa được giải quyết thì quyền được TGPL vẫn còn là “bến bờ xa” đối với người dân, và ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động này chưa được thực hiện trọn vẹn.
ÁI CHÂN
Trung tâm TGPL Nhà nước TPHCM trực thuộc Sở Tư pháp TPHCM, địa chỉ 25/5 Hoàng Việt phường 4 quận Tân Bình, số điện thoại (08)38116930 – (08)38116901.
Hiện trên địa bàn thành phố, trung tâm có 653 cộng tác viên TGPL (trong đó 106 người là luật sư), 132 tổ TGPL và 10 câu lạc bộ đặt tại các quận – huyện 3, 7, 9, 11, 12, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi.
Các lĩnh vực TGPL: hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em, hành chính, khiếu nại, tố cáo, đất đai, nhà ở, môi trường, lao động, việc làm, bảo hiểm… và các lĩnh vực khác (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại).