Trợ giúp người nộp thuế thương mại điện tử

Xác định thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và còn nhiều dư địa, từ cuối năm 2024 ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ người kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế; đồng thời triển khai các biện pháp rà quét để truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Kinh doanh thương mại điện tử dễ dàng nộp thuế

Khi nghe thông tin từ tháng 4-2025, sàn thương mại điện tử sẽ kê khai nộp thuế thay cho người bán, chị Phạm Thị Hằng, một người bán hàng trên 2 sàn lớn cảm thấy lo lắng. Chị có một cửa hàng ở quận 7 bán hàng trực tiếp, đồng thời cũng bán trên sàn; đã đóng thuế khoán theo doanh thu, bây giờ sàn kê khai và thu thêm nữa, không biết chị có phải đóng thuế 2 lần.

Về việc này, đại diện Cục Thuế TPHCM trả lời, theo nguyên tắc chung, hộ kinh doanh được quản lý theo phương thức thuế khoán. Khi kê khai doanh thu, hộ kinh doanh ghi rõ doanh thu kê khai chỉ gồm bán hàng trực tiếp, hay bao gồm cả bán hàng trực tuyến, từ đó có cách tính phù hợp. Những thắc mắc cụ thể, người nộp thuế liên hệ chi cục thuế trực tiếp quản lý sẽ được giải thích cặn kẽ.

Xác định thương mại điện tử là một lĩnh vực công tác trọng tâm trong năm 2025, từ ngày 19-12, Tổng cục Thuế ra mắt Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số thực hiện đăng ký, khai thuế và nộp thuế (http://canhan.gdt.gov.vn).

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế, cho biết, mục đích của cổng này là hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế theo hướng đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử. Các chức năng chính hiện nay là đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Người nộp thuế có thể đăng nhập thông qua VNeID, không cần tài khoản của cơ quan thuế. Cổng cũng hỗ trợ người nộp thuế cấp mã số thuế và cấp mã địa điểm kinh doanh thuận lợi nhanh chóng ngay trên cổng.

5d-5062-1222.jpg
Người dân và doanh nghiệp kê khai và đóng thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với chức năng khai thuế, người nộp thuế có thể vào đây để kê khai nộp thuế, chọn kê khai theo tháng hay từng lần phát sinh, chức năng này hỗ trợ các khoản thuế phải kê khai, tự tính ra số tiền thuế phải nộp. Đặc biệt, cổng liên kết tài khoản ngân hàng để người nộp thuế có thể nộp ngay trên cổng này sau khi thực hiện các thủ tục kê khai.

Đến nay, cục thuế các địa phương đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người kinh doanh thương mại điện tử. Người nộp thuế cũng phản hồi cổng tương tác dễ dàng.

Truy thu thuế của một hoa hậu 4,7 tỷ đồng

Bên cạnh việc hỗ trợ cho người nộp thuế, cơ quan thuế cho biết sẽ mạnh tay với các hành vi vi phạm, nhằm đảm bảo tính công bằng, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Hoa Bắc, Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác, Cục Thuế TPHCM, chia sẻ, năm 2024 đơn vị này đã làm việc với Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab và Tiktok để hỗ trợ các sàn này kê khai thông tin theo quy định. Ngoài ra, Cục Thuế đã lập các tổ khai thác danh sách các cá nhân nổi tiếng, cá nhân livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ công tác tuyên truyền, các hộ cá nhân kinh doanh dần tự giác liên hệ cơ quan thuế.

Trong đó, một hộ kinh doanh ở quận 1 đã chủ động liên hệ cơ quan thuế kê khai và nộp hơn 11,5 tỷ đồng, nhiều người khác nộp trên 1 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng thu thuế của một hoa hậu 4,7 tỷ đồng, một streamer 1,9 tỷ đồng. Năm 2025, Cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát các tổ chức cá nhân có doanh thu trên sàn. Cục đã ban hành kế hoạch kiểm tra thuế với các cá nhân là người nổi tiếng, thí điểm đợt 1 với 35 người.

Trong khi đó, tại Hà Nội, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết qua triển khai Đề án 06, đơn vị này đã số hóa, kết nối thông tin, liên thông dữ liệu từ các nguồn, xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về hoạt động thương mại điện tử.

Từ đó định danh, định vị chính xác gần 627.000 gian hàng. Đồng thời lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn.

Những dữ liệu này được tự động phân cấp quản lý đến từng chi cục thuế, đội thuế, cán bộ thuế tại từng địa bàn quận, huyện, phường xã, trên cơ sở đó thực hiện đấu tranh, xác định đúng nghĩa vụ nộp thuế. Nhờ đó, năm 2024 Cục Thuế Hà Nội thu thuế hơn 38.800 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử, tăng 2,8 lần năm 2023. Trong năm nay, cơ quan thuế Hà Nội cũng chuyển 72 hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý mạnh tay các vi phạm pháp luật về quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có 2 vụ nổi bật đã khởi tố gần đây.

Một chuyên gia từ Hội Tư vấn và đại lý thuế TPHCM nhận xét, đây là những cách làm chặt chẽ, khoa học và tiến bộ hơn so với cách quản lý thuế trước. Với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan thuế sẽ giúp người kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế đúng, đủ, không lo bị phạt; đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh.

Năm 2024, TPHCM đã rà soát hơn 4.100 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, qua đó xử lý truy thu, xử phạt hơn 256 tỷ đồng. Từ dữ liệu được các sàn cung cấp, Cục Thuế TPHCM tăng cường rà soát gần 53.000 cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục