Di sản 1.000 năm tuổi
Trò diễn Xuân Phả, loại hình nghệ thuật dân gian của làng Xuân Phả có lịch sử hình thành lâu đời, gắn liền với những biến chuyển của vùng đất này. Dù đã trải qua bao thăng trầm, nhưng trò diễn vẫn giữ nguyên được những nét đặc sắc, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Theo truyền thuyết, trò Xuân Phả có từ thời Đinh, gắn liền với sự tích Thần hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Trò diễn ra vào dịp mùng 9-mùng 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm, trong lễ hội làng, là dịp để dân làng thể hiện lòng thành kính đối với thần linh, đồng thời cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, người đã dành gần 40 năm gìn giữ và phát triển trò Xuân Phả, cho biết: "Trò Xuân Phả không chỉ là một tổ hợp múa dân gian mà còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật cung đình và trí tuệ dân gian, mang lại một bản sắc văn hóa độc đáo."
Trò diễn bao gồm năm phần múa chính: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung). Mỗi phần đều tái hiện hình ảnh các đoàn sứ thần đến chầu vua Nam Việt, đồng thời phản ánh những nét văn hóa và tín ngưỡng của các quốc gia lân bang. Đặc biệt, trò Xuân Phả giữ nguyên các điệu múa và lời ca cổ, không pha trộn, tạo nên sự khác biệt so với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Chính sự trường tồn của những giá trị này đã giúp trò Xuân Phả vượt qua thử thách của thời gian.
Tiếp lửa, trao truyền qua các thế hệ
Bảo tồn trò Xuân Phả là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết của cả cộng đồng. Ông Đỗ Đình Tơ, một nghệ nhân ưu tú trong làng, chia sẻ: "Trò Xuân Phả không chỉ là di sản của riêng gia đình nào mà đã trở thành tài sản chung của cộng đồng. Chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy cho các thế hệ trẻ, để họ hiểu và yêu quý những giá trị văn hóa này".
Công tác truyền dạy diễn ra đều đặn trong các lớp học, từ tiểu học đến trung học cơ sở. Đặc biệt, việc đưa trò diễn vào trường học giúp các em không chỉ học múa mà còn hiểu được lịch sử và văn hóa quê hương. Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Liên cho biết: "Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, với khoản kinh phí giúp bảo tồn trang phục, đạo cụ và tổ chức các lớp dạy múa". Sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng và đặc biệt là các thế hệ trẻ đã giúp trò Xuân Phả không chỉ bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù công tác bảo tồn trò Xuân Phả được thực hiện nghiêm túc, nhưng những khó khăn vẫn không ít. Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết: “Truyền dạy động tác múa thì dễ, nhưng để các cháu hiểu được giá trị văn hóa và lịch sử đằng sau mỗi điệu múa lại là một thách thức lớn. Các em còn nhỏ, nhận thức chưa sâu, nên phải kiên nhẫn từng bước”. Tuy nhiên, với sự yêu mến và đam mê, các nghệ nhân và cộng đồng luôn nỗ lực để truyền dạy và bảo tồn trò diễn này.
Nghệ nhân Phùng Thị Liên chia sẻ: "Mỗi lần nhìn thấy các cháu say sưa học múa, tôi thấy niềm tự hào vô bờ, vì trò Xuân Phả sẽ mãi tỏa sáng trong đời sống hiện nay và mãi mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật truyền thống". Trò Xuân Phả, một di sản 1.000 năm tuổi, vẫn sẽ tiếp tục sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của người dân Xuân Phả và là phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, trò Xuân Phả còn được giới thiệu ra thế giới. Các nghệ nhân Xuân Phả đã nhận được sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu và tổ chức văn hóa quốc tế. "Mới đây, tôi đã nhận được hình ảnh về múa Xuân Phả từ Pháp và Hàn Quốc. Những hình ảnh này được trưng bày tại các bảo tàng, giúp làm phong phú thêm tài liệu nghiên cứu", nghệ nhân Bùi Văn Hùng kể. Đây là minh chứng cho sự lan tỏa của trò Xuân Phả và khẳng định giá trị di sản không chỉ đối với cộng đồng Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế.