Trò chuyện văn chương với hoa thủy tiên cùng cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Không chỉ nổi tiếng về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) còn ghi dấu với những bài tiểu luận, phê bình văn chương đáng chú ý. Mới đây, NXB Trẻ vừa tái bản tập tiểu luận phê bình Trò chuyện với hoa thủy tiên và

Khi mới xuất hiện trên văn đàn, những sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gây nên một cuộc tranh luận văn học sôi nổi. Tập sách Trò chuyện với hoa thủy tiên và… bao gồm những bài tiểu luận quan trọng được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết trong khoảng thời gian đang xảy ra cuộc tranh luận văn học về ông (1988 - 1992).

Cùng với đó là những bài báo dưới dạng tạp văn (ký tên Dương Thị Nhã) in rải rác trên các báo Tiền Phong, Nông nghiệp Việt Nam, Phụ nữ TPHCM… từ năm 2000 trở đi; các bài viết chân dung, giới thiệu bạn bè văn nghệ và chủ kiến của ông về những cây bút trẻ đương thời.

IMG_9447.JPG
Cùng với truyện ngắn, tiểu luận - phê bình văn học cũng là thể loại khiến người đọc sẽ còn nhớ mãi về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Trong tập tiểu luận - phê bình này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bàn về nhiều vấn đề trong lý luận - phê bình và sáng tác văn học, như sứ mệnh của nhà văn, giá trị và cái đẹp của văn chương, các thể loại văn học...

Đặc biệt, ông nêu ra nhiều nhận xét và góp ý về tình hình văn chương trong nước hiện tại, về những cơ hội và khó khăn, những điều cần cải thiện… Đó là những nhận xét cá nhân thẳng thắn, gai góc, mà có chỗ ông gọi là nói “trắng phớ” ra những điều mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra. Ngoài ra, ông còn viết về những người đồng nghiệp, những bạn văn bạn thơ mà ông quý trọng.

Với những ý kiến và nhận định của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định: “Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý, tôi chỉ nêu ra những suy nghĩ “nhầm lẫn” để mọi người trong giới văn học xem xét mà thôi”. Có lẽ ông mong muốn những suy nghĩ của mình có thể góp một phần nào đó để văn học nước nhà phát triển hơn, thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ của nó, và có được một vị thế xứng đáng trong xã hội.

Như nhiều người cầm bút khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp suy ngẫm nhiều về nhiệm vụ, chức năng, hay “thiên chức” của văn học - mà ông cho rằng không nên đề cao quá mức, để sinh ra sự “sùng bái, sợ hãi”. Ở mức độ cơ bản nhất, ông cho rằng “văn học là khoa học về con người”.

Môn khoa học đó cần phải hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp: “Viết về cuộc sống, viết về con người cũng là để tìm ra những “lẽ đời” thật đẹp và giản dị làm “tấm gương soi chung” cho mọi người. Đấy cũng là sứ mạng. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng”.

Cuộc trò chuyện với hoa thủy tiên rồi cũng khép lại. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “biết rằng cả tôi, rồi cả hoa cũng chẳng còn mãi ở trên đời này”. Nhưng với những dòng chữ đầy tâm huyết của ông, người đọc cảm nhận được những lo âu và kỳ vọng cho nền văn học của đất nước, và những gì ông để lại sẽ vẫn còn tạo nên những gợn sóng trên văn đàn, thôi thúc mọi người phải nghĩ và hành động. Bởi con đường của nhà thơ, nhà văn còn dài và đầy gian khó.

Tin cùng chuyên mục