Cũng là một việc bình thường. Tôi cũng thường xử lý công việc qua email và coi đây là kênh trao đổi thông tin chính thức. Chỉ có điều, nếu là tôi, trước khi gửi email, sẽ cố gắng thiết lập một cuộc trò chuyện bằng điện thoại, để xác nhận các thông tin và để tự giới thiệu làm quen với nhau. Hoặc sau khi gửi email đi rồi thì hẹn một cuộc gặp gỡ, trò chuyện.
Dĩ nhiên, trò chuyện có nhiều phương cách, gửi thư điện tử, nhắn tin văn bản hay nhắn tin giọng nói; cũng là cách trò chuyện. Ở đây, tôi muốn nói tới những chuyện trò trực tiếp với nhau. Trò chuyện truyền thống. Dường như, những người trẻ hôm nay, họ ngại trò chuyện truyền thống. Ngay cả các bạn phóng viên trẻ, khi phỏng vấn nhân vật, cũng thường chọn cách gọi điện thoại hoặc chat messenger (gửi tin nhắn). Rất ít những cuộc gặp gỡ, trò chuyện “tay đôi” với nhau.
“Tối nay họp gia đình nha mấy đứa”, thỉnh thoảng, tôi lại thông báo một cuộc họp gia đình. Nhưng mỗi khi nghe tôi nói như vậy thì hai đứa con của tôi đều có vẻ không vui, và trong phản ứng tức thời là thấy có cái gì đó nghiêm trọng. “Có gì ba nói luôn đi, tối nay con bận đi học nhóm rồi”, một đứa lên tiếng. Đứa khác thì căng thẳng hơn: “Lại chuyện gì nữa? Cô giáo con méc ba chuyện gì hả?”.
Tụi nhỏ thường có tâm lý né tránh những cuộc trò chuyện trực tiếp, chúng thích nhắn tin trong group zalo gia đình hơn. Không chỉ riêng con tôi, mà qua quan sát, tôi thấy giới trẻ hiện nay đa phần như vậy. Có những bạn trẻ gần như không có nhu cầu và cũng không có khả năng trò chuyện trực tiếp với người khác, mặc dù đó là đối tác hay khách hàng của họ. Tôi từng nhận được những tin nhắn dài dằng dặc, vài trăm đến cả ngàn chữ. Với những tin nhắn kiểu vậy, tôi cảm giác gần như “nghẹt thở” và thường gọi lại để trò chuyện, trao đổi cho dễ hơn. Nhưng khi gọi lại thì bên kia không nghe máy, thậm chí là chủ động ngắt cuộc gọi, và sau đó tiếp tục những tin nhắn miên man.
***
Tôi nghĩ, một trong những điều tuyệt vời nhất của thế giới con người là ngôn ngữ và trò chuyện.
Một đêm trăng trên sân thượng, vài người bạn cũ lâu ngày gặp nhau, pha một bình trà ướp sen, vừa uống trà vừa trò chuyện thì không có gì tuyệt bằng. Nghe giọng nói, nhìn biểu cảm gương mặt, tương tác bằng tiếng cười, thậm chí chỉ là ngồi im lặng; thì cảm xúc vẫn đong đầy hơn là những cuộc trò chuyện online.
“Cháu đi chợ đó à?”
“Dạ, cháu đi chợ bà ạ”.
Hai bà cháu gặp nhau ngoài chợ, câu hỏi thay tiếng chào, không đầu không cuối, không thông tin gì quan trọng hay mới mẻ. Nhưng đã thiết lập một cuộc trò chuyện, giọng nói lan tỏa sóng giao cảm.
Con người, không chỉ có nhu cầu trò chuyện với nhau, mà còn muốn trò chuyện với muôn loài. Những đứa trẻ ở nông thôn thường một mình thì thầm trò chuyện với con chuồn chuồn cạnh bờ ao. Rón rén nhẹ chân xuống cầu ao bắt con chuồn chuồn, mà con chuồn chuồn lượn bay mất thì tiện thể cúi xuống… nói chuyện với con cá đang bơi. Con cá bơi đi rồi thì tha thẩn ra bờ rào trò chuyện với mấy bông hoa dâm bụt. Trò chuyện chán thì rút vô bóng mát chái nhà, nằm ngửa ra … trò chuyện với những đám mây bông gòn đang nhởn nhơ rong chơi trên bầu trời.
Bây giờ, những đứa trẻ như thế, không khéo bị cho là tự kỷ.
Ở góc chợ, một bà cụ đang ngồi bỏm bẻm nhai trầu, chợt hắt xì liền mấy cái, sau một cái hắt xì, cụ liền “Dạ”… vang một tiếng. Nhìn và nghe được, thấy dễ thương vô cùng. Bị hắt xì, tức có ai đó đang nhắc mình, bèn phải “Dạ”… Đó cũng là một kiểu trò chuyện. Trò chuyện một mình. Như lão Hạc trò chuyện với con Vàng, cũng là trò chuyện với chính mình. Bây giờ, ai nói chuyện một mình, không khéo sẽ bị kêu là khùng.
Nói thế để biết, thế giới này đã thay đổi quá nhiều. Thế giới dần thưa vắng những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, thay vào đó là cắm đầu vào màn hình điện thoại thông minh. Một nhóm bạn ngồi bên nhau, nhưng dường như cũng không có gì để nói, ai cũng chăm chú với ô cửa chat trong điện thoại của mình. Với thiên nhiên tươi đẹp, người ta say mê săn ảnh, nhưng không còn những cuộc trò chuyện thì thầm. Lướt ào qua, để rồi nhanh chóng quay lại và ghim thật sâu, trong miên man, dường như là bất tận: chiếc điện thoại nằm trong lòng bàn tay.