Tối đến, cả bọn sẽ tụm năm tụm bảy ăn khoai lang lùi, kể chuyện ma. Khoái nhất vẫn là trò trốn tìm (hay còn gọi là chơi “năm mười”). Trò chơi này phải chơi vào ban đêm mới thấy thú vị, tối tối mờ mờ, trốn xa thì sợ ma, trốn gần thì dễ bị phát hiện.
Ngày đó, đường làng cát trắng chật hẹp lắm nhưng lại vắng xe cộ. Buổi tối gần như là thời gian dành riêng cho chúng tôi. Chỉ cần trên ba đứa là đủ thành viên để bắt đầu trò chơi. Chúng tôi sẽ oẳn tù tì với nhau, kẻ thua làm người đi tìm, những người còn lại đi trốn. Thằng Lượm là đứa oẳn tù tì dở nhất xóm, bao giờ nó cũng là người đi tìm ở ván đầu tiên. Sau khi thỏa thuận ranh giới trò chơi, Lượm tự động nhắm mắt úp mặt vào gốc cây và bắt đầu đếm “năm, mười, mười lăm, hai mươi…”.
Lượm không lanh lắm, nó đếm rất chậm, luôn dư thời gian để cả bọn tìm được chỗ nấp an toàn. Nhưng cậu ta lại đặc biệt cẩn thận và kiên nhẫn. Trốn kỹ trên mấy chạc cây lớn như con Mơ, chạy vào tận chuồng bò như nhỏ Hoài, thằng Lượm vẫn lôi ra bằng được. Lần lượt từng đứa tụi tôi bị tìm thấy, gọi là “chết mạng”. Lúc đó Lượm chỉ việc khoanh tay, vênh mặt đắc thắng nhìn cả bọn oẳn tù tì chọn người cho lượt chơi tiếp theo.
Chơi “năm mười” giỏi nhất vẫn là con Mơ, nếu không phải Lượm đi tìm thì đố đứa nào khác tìm ra được. Lúc thì nó trèo thoăn thoắt lên mấy lùm cây lớn gần đó, lúc thì chui vào giữa đống rơm. Khi lại trốn ngay đằng sau gốc cột, chỉ cần người tìm vừa dứt tiếng hô, mở mắt ra chưa kịp nhìn, nó đã đập tay ngay la lớn “Mơ mạng nè!”.
Thằng Lượm với con Mơ mến nhau từ năm mười ba tuổi. Học hết lớp 12, Mơ đậu một trường đại học lớn ở thành phố, đi học rồi lấy chồng xứ khác. Ngày người thương cũ rước dâu, Lượm đóng cửa trốn biệt trong nhà. Bịt mắt, mở mắt, Lượm tìm Mơ hết những năm tháng trẻ con. Đến ngày trưởng thành, người ngay trước mặt nhưng Lượm phải nhắm mắt lại mới tìm được Mơ - trong những mảnh ký ức rời rạc chắp nối.
Tôi gặp lại Hoài trong đám cưới Mơ. Nhà Hoài nghèo lắm, thỉnh thoảng lúc đang cười đùa cùng tụi tôi thì Hoài bị mẹ gọi về phụ việc nhà. Sau cái lần Hoài mải chơi quên nấu cám heo, mẹ nhỏ cấm tiệt không cho ra khỏi nhà đi đâu nữa. Hoài bỏ học lấy chồng từ năm cấp ba. Lần này về làng, Hoài dẫn theo con trai. Cậu nhóc năm tuổi trắng trẻo mập mạp chăm chú cắm mặt vào iPad chơi game, quên cả ăn.
Trong đám con nít cùng chơi “năm mười” thuở ấy, tôi đặc biệt quan tâm một người. Tín hơn tôi hai tuổi nhưng chững chạc hơn nhiều. Trò chơi hồi nhỏ, đều là Tín giúp tôi tìm chỗ trốn. Ngày Tín rời quê lên thành phố, tôi khóc ướt hai tay áo anh. Dần dà, Tín đã quên mất câu chuyện ngày trước từ bao giờ. Và chính tôi cũng không còn mặn mà với những câu hứa dở dang.
Chúng tôi đã gọi nhau “năm, mười, mười lăm…” suốt một tuổi thơ. Giờ đây, khi đã lớn lên rồi, chúng tôi lại “trốn tìm” cả quãng đời còn lại. Trò chơi thuở bé, không ai biết ai ở đâu nhưng cuối cùng cũng tìm ra được. Câu chuyện bây giờ, chúng tôi rất rõ người kia nơi nào, nhưng cứ trốn hoài trốn mãi trong cuộc đời của nhau.
Cũng như gió đẩy đưa những chùm bong bóng
Cuộc đời xô ta về những hướng không nhau…