Sống ở thành phố nên từ nhỏ Aliyya Nurfauzi chỉ làm quen với những thiết bị thông minh, thay vì những trò chơi dân gian. Nhiều bạn bè của Aliyya cũng vậy. Tình trạng này đã diễn ra trên hầu khắp các thành phố tại Indonesia trong một thời gian dài. Nhưng vài năm trở lại đây, việc khuyến khích phát triển trò chơi dân gian đã được mở rộng tại các trường học của Indonesia.
Mỗi trường sẽ lần lượt tổ chức ngày hội trò chơi dân gian để hướng dẫn và khuyến khích học sinh tham gia các trò chơi như: nhảy lò cò, ô ăn quan, đi cà kheo, đánh quay... Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và cả các em học sinh, vì đã giúp các em tạm rời xa thế giới ảo, hạn chế chơi các trò chơi điện tử, tránh bị suy giảm thị lực và học hành sa sút.
Không chỉ phổ biến trong trường học, ở các cộng đồng dân cư sẽ có một đội tình nguyện viên đến tổ chức và hướng dẫn các trò chơi cho những em nhỏ. Aliyya và các bạn đã được đội tình nguyện viên ở Jakarta hướng dẫn chơi lò cò và nhiều trò chơi khác như trốn tìm, đi gáo dừa.
Chỉ trong vòng một buổi, các em đã được chơi tất cả trò chơi và còn được xem màn biểu diễn múa rối do đội tình nguyện viên tổ chức. Cô bạn Mikayla Himawan của Aliyya đặc biệt thích chơi ô ăn quan bằng hạt đậu, gọi là congklak. Đây là trò chơi không tốn sức nhưng đòi hỏi tư duy về đường đi, nước bước. Mikayla vốn say mê bộ môn toán học, nên với congklak, em có thể vận dụng suy nghĩ tính toán cách chơi hợp lý để giành chiến thắng dễ dàng.
Sự yêu thích của các em nhỏ đã làm hồi sinh những trò chơi dân gian tưởng chừng sẽ bị quên lãng ở thành thị. Giới chuyên gia văn hóa ở Indonesia đánh giá, các trò chơi dân gian đã thật sự quay trở lại quốc gia này. Vào những năm 1970 đến 1990, trò chơi dân gian đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi sinh hoạt cộng đồng ở Indonesia, cuốn hút người tham gia không chỉ là các em nhỏ mà còn ở lứa tuổi thanh niên.
Việc tận dụng mạng xã hội để khuyến khích các em cùng tham gia chơi cũng được các tình nguyện viên triển khai. Thông qua những hình ảnh sống động và các video clip hướng dẫn tỉ mỉ, các em đã biết tự tổ chức chơi, cùng nhau tham gia sinh hoạt chung sau khi hoàn thành bài vở ở trường. Các em gắn kết hơn, vui vẻ hơn và quan trọng hơn là không bị rối loạn, ảnh hưởng đến tâm lý trong thời kỳ bệnh dịch đang diễn biến phức tạp.
Thực tế, kế hoạch khuyến khích bảo tồn trò chơi dân gian gần đây cũng gặp trở ngại, do dịch Covid-19 đã khiến mọi người dè dặt hơn với các hoạt động ngoài trời, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý để con tham gia chơi đùa cùng các bạn. Để tiếp tục công việc của mình, các đội tình nguyện viên đang kêu gọi quyên góp xây dựng những sân chơi được quy hoạch riêng tại các khu dân cư để đảm bảo an toàn hơn cho các em.