Theo IfW, các khoản trợ cấp trên có thể đạt 208 tỷ EUR (219,3 tỷ USD), cao hơn nhiều so với con số 98 tỷ EUR (103 tỷ USD) năm ngoái. Chuyên gia Claus-Friedric Laaser của IfW cho rằng, xét về quy mô và mức độ của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế Đức, việc tăng cường hỗ trợ tài chính là điều dễ hiểu và có thể dự báo trước, nhưng con số trợ cấp khổng lồ này vượt dự báo quá xa.
Theo các nhà nghiên cứu, khoản trợ cấp lớn nhất theo kế hoạch là chi cho trợ giá điện và giá khí đốt từ quỹ bình ổn kinh tế, với số tiền lần lượt là 43 tỷ EUR (45 tỷ USD) và 40 tỷ EUR (42,1 tỷ USD). Các khoản trợ cấp cho môi trường và năng lượng cũng lên tới gần 35 tỷ EUR (36,9 tỷ USD), không bao gồm tiền từ quỹ bình ổn kinh tế. Lĩnh vực giao thông được trợ cấp 26 tỷ EUR (27,4 tỷ USD). Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp để cải tạo các tòa nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng, trị giá gần 17 tỷ EUR và trợ cấp cho bảo hiểm y tế 14,5 tỷ EUR, cùng nhiều khoản trợ cấp khác.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở Đức |
Trợ cấp đang trở thành khoản chi tiêu quan trọng nhất trong toàn bộ ngân sách nhà nước. Theo tính toán, trong hơn 30 cent/EUR Chính phủ liên bang Đức chi tiêu trong năm nay, được dành cho các khoản trợ cấp tài chính, trong khi chi tiêu xã hội ở mức gần 30 cent, chi tiêu cho các hoạt động của chính phủ hoặc định hướng tương lai như cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và giáo dục chỉ chiếm chưa tới 20 cent.
Nghiên cứu của IfW cũng cho thấy, nếu cộng cả các khoản trợ cấp của chính quyền các bang và các khoản giảm trừ thuế, tổng số tiền trợ cấp của Đức trong năm 2023 có thể lên tới 362 tỷ EUR (381 tỷ USD), tương ứng với tỷ lệ 9,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việc các khoản trợ cấp không ngừng gia tăng trái ngược với mong muốn của các bên trong liên minh “Đèn giao thông” (gồm đảng Dân chủ xã hội - SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do - FDP). Ngay từ khi thành lập liên minh, các đảng đã thống nhất mục tiêu giảm các khoản trợ cấp để giúp gia tăng nguồn vốn cho các chương trình bảo vệ khí hậu và đổi mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong 3 năm qua khiến Chính phủ Đức phải cung cấp ngày càng nhiều khoản trợ cấp hơn trước.
Dự báo mới nhất của Bộ Kinh tế Đức cho thấy, sản lượng kinh tế của quốc gia này sẽ giảm 0,4%. Đây là mức giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 0,4% được dự báo hồi tháng 4-2023, thời điểm Berlin kỳ vọng vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tốt hơn dự kiến nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp. Các chỉ số kinh tế hiện tại như sản xuất công nghiệp, số lượng đơn đặt hàng, chỉ số môi trường kinh doanh đều cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục yếu kém trong quý III/2023.
Đối với năm 2024, Đức dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 1,3% và chạm mốc 1,5% ở năm 2025. Bộ Kinh tế dự kiến, lạm phát sẽ ở mức 6,1% trong năm 2023, trước khi giảm xuống 2,6% ở năm 2024 và tiếp tục giảm còn 2% vào năm 2025.