Hỗ trợ tiền ăn và tiền mặt đối với trẻ em mắc Covid-19
Về hỗ trợ đối với trẻ em mắc Covid-19, ông Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM hỗ trợ tiền ăn cho người đang điều trị, cách ly tập trung (trong đó có trẻ em) là 80.000 đồng/người/ngày, theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM có Công văn số 2512 ngày 28-7 về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, trẻ em là F0 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với các trường hợp điều trị từ ngày 27-4 đến ngày 31-12, thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa là 45 ngày. Trẻ em là F1 được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày với các trường hợp cách ly y tế từ ngày 27-4 đến 31-12, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Mỗi trẻ em được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/trẻ em.
Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ BHYT.
Ngoài ra, khi trẻ trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung) thì được chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xác minh hoàn cảnh để hỗ trợ gạo, mì gói, sữa,... nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, mạnh thường quân đỡ đầu, giúp đỡ lâu dài.
Trẻ em mồ côi vì Covid-19 được trợ cấp hàng tháng
Trường hợp trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, ông Lê Minh Tấn cho hay, theo Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ em mồ côi cả cha mẹ thì được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp có hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi (tương đương 900.000 đồng/trẻ em/tháng); Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên (tương đương 540.000 đồng/trẻ em/tháng). Các trẻ em được cấp BHYT.
Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn băng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, căn cứ theo Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trường hợp trẻ mồ côi cả cha mẹ thì được đưa vào diện chăm sóc, nuôi thay thế. Cụ thể là: Thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân; Thay thể bởi cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; Thay thế cho nhận con nuôi; Thay thể bởi các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội.
Để hỗ trợ các bé đến trường, ông Lê Minh Tấn cho hay, trên cơ sở đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn TPHCM do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Trường hợp trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội (mồ côi cả cha mẹ, trẻ mồ một phía và người còn lại không khả năng lao động, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật…) được miễn giảm các khoản phụ phí khác. “Các hội, đoàn thể MTTQ, Hội LHPN, Đoàn thanh niên… cũng có nhiều chương trình học bổng hỗ trợ cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, vươn lên học tập thông qua Quỹ học bổng Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tài Năng trẻ…”, ông Lê Minh Tấn nói.
* Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cũng vừa ban hành Quyết định số 1013 về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến 31-12 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em.
Đồng thời, hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27-4 đến ngày 31-12. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.