ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) chất vấn về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. ĐB đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị chậm trễ do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn, dẫn tới các nguồn vốn JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) không giải ngân được, khi hiệp định với ADB hết hạn thì không gia hạn được.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC |
Để tháo gỡ, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ vấn đề tài chính cho VEC. Tới nay, các vướng mắc đã được giải quyết. Với nguồn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng cũng được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC, tới nay các nhà thầu đã triển khai thi công trở lại.
Hiện nay, nguồn vốn đối ứng được giải quyết thì tuyến này sẽ tiếp tục bắt tay xây dựng.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cũng chất vấn về tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các yêu cầu về điều kiện kinh doanh dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Trả lời của Bộ trưởng cho rằng, chủ yếu ở góc độ các biện pháp về xử lý hành chính và hình sự sau khi đã xảy ra tai nạn giao thông. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết về các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng này như thế nào, nhất là kiểm soát bằng các giải pháp công nghệ để chủ động phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm, không còn xảy ra tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, bộ đã tiến hành xử lý nhiều vi phạm. Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý, trong đó có tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để theo dõi chặt chẽ vị trí di chuyển của xe tải, biết rõ xe có đi đúng tuyến hay không, có vi phạm gì trên đường.
Ngành GTVT cũng đã yêu cầu các xe lắp camera để bảo đảm tài xế không lái quá thời gian theo quy định (không quá 4 tiếng liên tục và 10 giờ/ngày), dữ liệu được chia sẻ về Cục Đường bộ, Sở GTVT các tỉnh, Bộ Công an để cùng quản lý.
“Nếu sử dụng chặt chẽ thì có đủ dữ liệu quản lý từng xe trong quá trình di chuyển, bắt khách. Cùng với đó, có quy định mạnh mẽ trong xử lý các phương tiện, lái xe vi phạm", Bộ trưởng cho biết.
Các ĐB tới dự phiên chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trước đó, ngày 7-6, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cũng chất vấn hiện 2 tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt những ngày cuối tuần và đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch mở rộng 2 tuyến này trong thời gian tới.
Trả lời, Bộ trưởng cho biết, về tuyến cao tốc TPHCM –Trung Lương, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 về phương án đầu tư.
Đối với tuyến TPHCM – Long Thành do VEC đầu tư khai thác. Hiện, VEC đang cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có để đầu tư các dự án (nếu tài chính của VEC đảm bảo thì mới làm được). Thực tế VEC đã có công văn gửi cho Bộ GTVT và Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) tranh luận cho rằng, Bộ trưởng chưa làm rõ có hay không sự chậm trễ của Bộ GTVT trong việc chủ động đưa ra hoặc phối hợp với các cơ quan, bộ ngành địa phương về phương án ứng phó thay thế, tạm dừng hoạt động trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trong trường hợp thiếu đăng kiểm viên. ĐB cho rằng, đây không phải là sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa, mà có sự chủ động của cơ quan hữu quan.
Quốc hội sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tái khẳng định đây là điều rất đáng tiếc, là “sự cố đau xót” đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng, ngành GTVT nói chung. Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với ngành công an để xử lý.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, công an không trao đổi trước với Bộ GTVT. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ GTVT trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho TTĐK để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Nhưng 75% TTĐK là của tư nhân, nên không thể khôi phục sớm ngay được. Trong mỗi TTĐK thì đăng kiểm viên bậc cao cũng không thể thay thế ngay được, vì thời gian đào tạo không ngắn. Đó là lý do không thể khôi phục các TTĐK sớm. Đến giờ phút này, cơ bản đã giải quyết được tình hình (cả nước chỉ còn 2 tỉnh chưa mở lại TTĐK). Ngày 7-6, Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi về đăng kiểm để giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Chỉ còn vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm thì tới đây sẽ được giải quyết khi Quốc hội xử lý Luật Giá.
Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo ĐB, để giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa ít hơn trước khi sửa. “Bỏ mấy nghìn tỷ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí, do vậy Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam”, ĐB chất vấn.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời, Bộ trưởng cho rằng, chi phí logistics thường được tính so với GDP. Năm 2022, chi phí logistics của Việt Nam là 16,8% so với GDP, tỷ lệ này là cao so với bình quân chung, nhưng đã tiệm cận được mức tối thiểu mà Chính phủ đề ra, đó là chi phí logistics chiếm 16-20%.
Hiện Việt Nam đứng 43/139 nước tham gia xếp hạng về chi phí logistics; trong ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 4.
Bộ trưởng cho biết, dư địa để giảm chi phí của Việt Nam còn nhiều, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương triển khai các giải pháp, trong đó đầu tư mạnh cho hạ tầng các trung tâm logistics. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành 4 quy hoạch về hạ tầng, trong đó có quy hoạch hàng không, khi có quy hoạch thì sẽ đầu tư để bảo đảm tính kết nối cao nhất. Ví dụ sẽ lấy cảng biển làm kết nối trung tâm; rồi quy hoạch về đường sắt, đường thủy phải bảo đảm tính kết nối, liên thông từ Bắc tới Nam...
Các ĐB Quốc hội dự phiên chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Bộ trưởng cũng cho biết, cùng với đó chúng ta đầu tư xây dựng thành những trung tâm dịch vụ logistics, khai thác hạ tầng, hiện nay cũng đã có một số cảng biển đạt tầm khu vực.
Về tần suất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất mà ĐB Hiếu đưa ra, Bộ trưởng khẳng định thông tin này là chính xác. Khi các đường băng xuống cấp, chúng ta nâng cấp đường băng để bảo đảm các mục tiêu, bảo đảm an toàn. Khi đạt tần suất 44-46 chuyến bay thì nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng được, kể cả đường kết nối. Do đó, phải điều chỉnh, đẩy một số chuyến ra khỏi giờ vàng để giảm ùn tắc. Tình trạng này đang được giải quyết và khi khánh thành nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ đẩy tần suất chuyến bay lên.