
Chiều 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tại phiên họp, người học tại các cơ sở giáo dục công lập được miễn học phí. Người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục sẽ được hỗ trợ học phí. HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng học phí do ngân sách nhà nước chi trả thông qua các cơ sở giáo dục.
Kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được ký ban hành và áp dụng từ năm học 2025-2026 trở đi cho đến khi có quy định khác.
Theo Tờ trình số 203/TTr-CP của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết ước tính khoảng 30.600 tỷ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.900 tỷ đồng).
Hiện nay, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn học phí theo quy định Luật Giáo dục đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22.400 tỷ đồng (trong đó, khối công lập là 21.800 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 600 tỷ đồng). Như vậy, số ngân sách nhà nước phải bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết này là 8.200 tỷ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 6.900 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.300 tỷ đồng).