Chiều 1-4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV tiếp tục thực hiện công tác kiện toàn nhân sự.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc; sau đó Quốc hội thảo luận tại đoàn.
Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng vào sáng 2-4.
Cũng theo chương trình làm việc, chiều 2-4, các đại biểu bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
Do thực hiện quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự, ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng. Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy, Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo. Quy trình đã được lưu ý để bố trí chương trình công tác nhân sự cho phù hợp.
Trước đó, tại cuộc họp báo trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã xác nhận thông tin "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước". Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu làm người đứng đầu Nhà nước.
Sau khi Quốc hội bầu xong tân Chủ tịch nước sáng 5-4, tân Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để các đại biểu bầu Thủ tướng Chính phủ. Hiện nhân sự đề cử vào chức danh Thủ tướng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, theo danh sách sơ bộ người các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954; quê quán xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978); Ủy viên Trung ương Đảng các khoá X, XI, XII và XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII và XIII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII và XIV; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 1999 - 2004 và 2004 -2011.
Từ năm 1966 – 1968, lên chiến khu cách mạng, được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo; sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. 1978 – 1979, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đồng chí trở về làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đồng chí có nhiều năm công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; từng là Giám đốc Sở Du lịch, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tháng 1-2021, đồng chí tiếp tục được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.
Chiều 31-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi kiện toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 5 năm qua, chúng ta đã hành động chung sức đồng lòng, cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu đạt được thành tựu rất đáng tự hào như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội. Chúng ta đã đổi mới, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Đồng thời, đã tháo gỡ nhiều thể chế, chính sách pháp luật để đưa đất nước tiến lên. Kinh tế vĩ mô hiện ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát thấp. Quy mô nền kinh tế đã gấp 1,4 lần so với năm 2015. Kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước được tăng cường. Thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động cải thiện rõ rệt.
“Đặc biệt chúng ta đã mở ra không gian, cơ hội lớn cho phát triển thông qua các hiệp định lớn, song phương và đa phương”, Thủ tướng nói Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu của IMF, tăng 17 bậc trên bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc… Đặc biệt, trong phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam trở thành minh chứng điển hình về một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển.
Tại kỳ họp 11 đang diễn ra, Quốc hội khóa XIV cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên cho việc triển khai các đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo; tạo nhiều việc làm mới.
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao…