Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước Cảng biển Sóc Trăng (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), trong đó trọng tâm là Cảng biển Trần Đề do Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) thực hiện. Đến nay, quy hoạch đã được báo cáo đầu kỳ vào tháng 11-2021 và báo cáo giữa kỳ vào tháng 2-2022.
Theo quy hoạch dự kiến, Cảng biển Trần Đề sẽ có tổng diện tích 4.960ha, trong đó diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960ha, diện tích khu dịch vụ, hậu cần cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hoá phía bờ là 4.00ha.
Cảng biển Trần Đề có cầu vượt biển dài 18km (quy mô 8 làn xe), 15 cầu cảng (gồm 12 cầu cảng tổng hợp, container và 3 cầu cảng chuyên dùng), đê chắn sóng dài 8,3km. Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, với công suất thiết kế từ 80 – 100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến 2030 có công suất 30 – 35 triệu tấn/năm.
Cảng biển Trần Đề sẽ có vùng hấp dẫn trực tiếp tại 8 tỉnh thành ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Trong đó, khoảng cách đường bộ đến cảng dao động từ 50km đến gần 197km, đường thủy nội địa từ 30km đến 200km.
Ngoài ra, Cảng biển Trần Đề còn sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến vận tải thủy sông MeKong, đồng thời là cảng trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm nhiệt điện tại ĐBSCL.
Về kết nối đường bộ với Cảng biển Trần Đề hiện có các Quốc lộ 1A, 91, 91C, 60... cùng với các dự án giao thông chuẩn bị đầu tư như: cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng và Trà Vinh, dự án mở rộng quốc lộ 91C… Đối với kết nối đường thủy có các tuyến chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia, các hành lang vận tải thủy kết nối các tỉnh ĐBSCL về sông Hậu.
Ngoài ra, còn có các luồng hàng hải như: Định An – Cần Thơ qua cửa Định An (tải trọng 10.000-20.000 DWT), luồng Trần Đề qua cửa Trần Đề 2.000 tấn, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Tắt (tàu 20.000 DWT giảm tải).
Ước tính tổng vốn đầu tư Cảng biển Trần Đề là trên 138.000 tỷ đồng, trong đó theo phân kỳ đầu tư giai đoạn khởi động là hơn 30.800 tỷ đồng, giai đoạn 1 từ 50.500 đến hơn 60.700 tỷ đồng.
Cảng biển Trần Đề sau khi quy hoạch được công bố và kêu gọi đầu tư thành công sẽ là bước đi quan trọng hướng đến việc hình thành một điểm kết nối hàng hải đầu mối cho khu vực ĐBSCL, góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mở cánh cửa ra thế giới cho toàn vùng.
Ngoài ra, việc xây dựng bến cảng ngoài khơi Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng trong các vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển, tạo sức hấp dẫn rất lớn trong thu hút đầu tư các khu công nghiệp có khả năng kết nối trực tiếp đến cảng và ngược lại.