Sau khi ngừng các hành động khiêu khích trong 75 ngày, Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một địa điểm gần Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan vào lúc 3 giờ 17 (giờ địa phương) ngày 29-11. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tên lửa này đã bay được 960km ở độ cao tối đa khoảng 4.500km.
Cộng đồng quốc tế lo ngại
Chỉ vài giờ sau đó, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong -15 mới, “có tầm bắn bao phủ hoàn toàn lục địa Mỹ”. Trong một phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo về vụ phóng thành công trên, đồng thời khẳng định Triều Tiên “đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia”.
Kênh truyền hình CNBC của Mỹ dẫn lời chuyên gia David Wright, Giám đốc chương trình an ninh toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định nếu tên lửa nói trên của Triều Tiên bay theo quỹ đạo chuẩn thay vì theo quỹ đạo “đường vòng” thì có thể đạt tầm bắn hơn 13.000km. Tầm bắn này hoàn toàn có thể vươn tới Washington và thực tế là bất kể nơi nào trên lục địa Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia Michael Elleman thuộc Viện Chiến lược Nghiên cứu quốc tế (IISS) và cũng là nhà phân tích tình hình Triều Tiên cho hay phải mất một năm nữa Triều Tiên mới có thể chế tạo tên lửa ICBM có khả năng vươn tới bờ Tây lục địa Mỹ. Triều Tiên cần tiến hành thêm nhiều vụ thử nữa để kiểm tra hiệu năng và độ tin cậy của tên lửa. Tuy nhiên, ngay cả khi tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên có thể vào không phận của Mỹ chưa chắc Bình Nhưỡng đủ khả năng tấn công Washington bằng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) Hàn Quốc ngày 29-11 tuyên bố, họ không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới khác.
Bất chấp nghị quyết LHQ
Cũng trong ngày 29-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thừa nhận, vụ thử tên lửa lần này của Triều Tiên bay xa và cao hơn tất cả các lần trước. Ông Mattis cho rằng, Triều Tiên tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, thế giới và Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsay Graham khẳng định, Tổng thống Donald Trump sẽ không cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lục địa Mỹ, sau vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang South Carolina cảnh báo, Bình Nhưỡng đang tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm lớn hơn, với việc tiến hành các vụ thử bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế buộc nước này ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. 3 nhà lãnh đạo khẳng định cam kết chống lại mối đe dọa của Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên: “Đó là tình huống mà chúng tôi sẽ giải quyết”.
Thông qua người phát ngôn, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa của Triều Tiên và cho rằng đây là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và cho thấy Bình Nhưỡng hoàn toàn không quan tâm đến quan điểm thống nhất của cộng đồng quốc tế. HĐBA LHQ dự kiến sẽ họp vào ngày 30-11 (giờ Việt Nam) để thảo luận về nghị quyết lên án Triều Tiên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án mạnh mẽ cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên, xem đây là một “sự vi phạm tiếp diễn các nghị quyết của HĐBA LHQ, phá hoại an ninh khu vực và quốc tế”. EU cho rằng, vụ thử tên lửa là một “vi phạm không thể chấp nhận được” các hiệp định quốc tế.