Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã phóng đi "vật thể bay chưa xác định" về phía Biển Nhật Bản vào lúc 5 giờ 57 (giờ địa phương).
Chính phủ Nhật Bản thông báo, tên lửa của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ miền Bắc nước này vào lúc 6 giờ 06 (giờ địa phương). Hệ thống cảnh báo của chính phủ đã khuyến cáo người dân đề phòng nhưng không có thiệt hại nào. Quân đội Nhật Bản đã không cố gắng bắn hạ tên lửa.
Trong khi đó, kênh truyền hình NHK cho biết tên lửa của Triều Tiên đã vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống khu vực ngoài khơi cách mũi Erimo trên đảo Hokkaido 1.180 km về phía Đông.
Trong một phản ứng đầu tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất sáng nay 29-8 của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này là một "mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực". Ông cũng kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) họp khẩn cấp gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng Abe chủ trì, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cần tăng sức ép hơn nữa đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, những lo ngại liên quan tới an ninh quốc gia Nhật Bản đã gia tăng sau hành động của Triều Tiên. Ông Onodera cho biết Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiến hành phân tích tên lửa của Triều Tiên, bao gồm độ cao của nó.
Cùng ngày 29-8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận Triều Tiên vừa phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản. Người phát ngôn bộ trên, Đại tá Robert Manning cho biết quân đội Mỹ đang tiếp tục thu thập thông tin. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) khẳng định vụ phóng này không đe dọa tới khu vực Bắc Mỹ. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng 2.700 km với độ cao tối đa đạt 550 km.
Đánh giá về tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng này, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nhà phân tích Kim Dong-yub nhận định các dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là Hwasong-12, loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng mới đây vừa cảnh báo sử dụng để bắn tới đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Theo ông Kim Dong-yub, cũng có thể loại tên lửa Triều Tiên vừa sử dụng là Musudan, có khả năng vươn tới hầu hết khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc là Pukguksong-2, loại tên lửa dùng nhiên liệu thể rắn vốn có thể bắn nhanh và bí mật hơn các loại vũ khí sử dụng nhiên liệu thể lỏng.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía Đông của nước này. Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, 2 quả tên lửa đã bay được quãng đường 250 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, trong khi quả thứ 3 phát nổ gần như ngay lập tức.