Đây là vụ phóng đầu tiên sau khi Bình Nhưỡng công bố kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ.
Mở cuộc tấn công giả định
Cũng theo PACOM, 2 trong số 3 tên lửa đã không bị rơi trong quá trình bay. Cụ thể, ở lần phóng đầu tiên và thứ 3, các tên lửa đã bay được quãng đường khoảng 250km. Vụ phóng diễn ra vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung có tên gọi “Người bảo vệ Tự do Ulchi”, sự kiện mà Bình Nhưỡng cho là cuộc tập dượt cho việc xâm lược Triều Tiên. Trong khi đó, phía quân đội Hàn Quốc cho biết vào sáng cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một số vật thể chưa xác định từ một địa điểm gần Kittaeryong, tỉnh Gangwon. Còn theo thông tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Triều Tiên nhiều khả năng đã thử hệ thống pháo phản lực nòng 300mm trong vụ phóng này.
Theo nhà phân tích an ninh Kim Dong-yub của Hàn Quốc, các đạn pháo cỡ lớn của Triều Tiên đã xóa mờ ranh giới giữa hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo, vì các đạn pháo này tự tạo ra lực đẩy và được dẫn đường trong quá trình phóng. Phủ tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về vụ phóng trên.
Quân đội Mỹ khẳng định, các vụ phóng này không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ hay Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ trên Thái Bình Dương. Phía Tokyo cũng khẳng định, các tên lửa này không rơi vào vùng lãnh thổ của Nhật Bản hay các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, đồng thời không đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Cùng ngày, theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, vào ngày 25-8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã theo dõi một cuộc tấn công giả định vào các đảo của Hàn Quốc nằm gần khu vực biên giới phía Tây. Trong cuộc tấn công giả định trên vào các đảo Baengnyeong và Yeonpyeong, máy bay của Triều Tiên không kích các mục tiêu, trong khi nhiều bệ phóng tên lửa đa nòng và pháo tự hành trút đạn vào các hòn đảo.
Xây lò phản ứng hạt nhân mới
Vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang xúc tiến những nỗ lực để đưa Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán. Trong ngày 25-8, tại cuộc gặp ở thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Sergey Lavrov cho rằng cần tăng cường phối hợp, áp dụng cả trừng phạt và đối thoại để buộc Triều Tiên từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định, Nga kiên quyết phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, bày tỏ quyết tâm thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Trong diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các cá nhân và thực thể của Triều Tiên thành lập doanh nghiệp mới tại Trung Quốc. Ngoài ra, đơn xin thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng đầu tư tại Triều Tiên của các công ty Trung Quốc cũng sẽ không được chấp thuận. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay tức thì.
Theo Reuters, liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Triều Tiên đang tăng cường nỗ lực chế tạo các bộ phận của một lò phản ứng hạt nhân mới mà nước này đang xây dựng, trong khi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của một lò phản ứng sẵn có, vốn được sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho bom nguyên tử. Dự kiến, lò phản ứng mới sẽ lớn hơn lò phản ứng thử nghiệm hiện nay ở Yongbyon. IAEA không có thông tin trực tiếp từ Triều Tiên mà chỉ giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng chủ yếu thông qua hình ảnh vệ tinh.