Theo thông báo của cả quân đội Hàn Quốc và Mỹ, sau khi được phóng từ một địa điểm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, tên lửa đã bay theo hướng Đông gần 1.000km, với độ cao nhất khoảng 4.500km, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc thông báo, vào sáng sớm ngày 29-11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo chưa xác định từ tỉnh Nam Pyongan.
Theo JCS, tên lửa này bay theo hướng Đông. Quân đội Mỹ cùng ngày cũng cho biết kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy đây có thể là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Theo thông báo của cả quân đội Hàn Quốc và Mỹ, sau khi được phóng từ một địa điểm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, tên lửa đã bay theo hướng Đông gần 1.000km, với độ cao nhất khoảng 4.500km, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Người đàn ông theo dõi thông tin vụ bắn tên lửa tại Tokyo, Nhật Bản ngày 29-11-2017. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, đài NHK đưa tin Chính phủ Nhật Bản ước tính tên lửa trên đã bay trong khoảng 50 phút và rơi xuống vùng biển thuộc vùng kinh tế đặc quyền của Nhật Bản.
Nếu được xác nhận, đây là vụ thử ICBM thứ 3 của Triều Tiên từ tháng 7 đến nay. Đây cũng là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ hôm 15-9, khi nước này bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Ngay sau đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Moon Jae-in đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa trước đó cùng ngày của Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất có thể được đối với vụ việc này.
Người dân theo dõi thông tin về vụ bắn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên qua màn hình tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29-11-2017. Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia được triệu tập chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nêu rõ: “Tôi mạnh mẽ lên án Triều Tiên đã thực hiện các hành động khiêu khích liều lĩnh... Chính phủ Hàn Quốc sẽ không bao giờ dung thứ cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên”.
Ngoài ra, Tổng thống Moon còn nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải từ bỏ ngay việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa, khẳng định việc theo đuổi các chương trình này sẽ chỉ dẫn đến việc Triều Tiên bị cô lập và hủy diệt, đồng thời kêu gọi nước này trở lại bàn đàm phán ngay lập tức.
Cùng ngày 29-11, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc thông báo quân đội nước này đã tiến hành cuộc tập trận tên lửa bắn đạn thật, chỉ vài phút sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo, tại khu vực gần biên giới trên biển phía Đông với Triều Tiên.
Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Hàn Quốc đã cùng tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 20 phút gần đường ranh giới phương Bắc ở vùng biển phía Đông từ lúc 3 giờ 23 phút (giờ địa phương). Hoạt động này có sự góp mặt của đơn vị tên lửa thuộc Lục quân, tàu lớp Aegis của Hải quân và máy bay chiến đấu KF-16 của Không quân.
Thông báo của JCS cho biết mỗi lực lượng đã phóng một quả tên lửa thuộc các loại khác nhau là Hyunmoo-II, Haesong-II và SPICE-2000 vào một mục tiêu giả định được xây dựng với khoảng cách tương đương với quãng đường đến nơi mà Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng. Các tên lửa này đã đánh trúng đích.
JCS còn thông báo cuộc tập trận này được tiến hành ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa là do quân đội Hàn Quốc đã theo dõi chặt chẽ động thái của Triều Tiên. Thông báo nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta đang theo dõi các hoạt động của quân đội Triều Tiên 24/24 giờ. Điều này cho thấy quyết tâm và khả năng của chúng ta trong việc tấn công chính xác vào nơi xuất phát của hành động khiêu khích cũng như các cơ sở chủ chốt của đối phương trên bộ, trên biển và trên không”.
Thông tin về vụ bắn tên lửa hiển thị trên màn hình tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29-11-2017. Ảnh: Reuters
Người dân theo dõi thông tin vụ bắn tên lửa đạn đạo tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29-11-2017. Ảnh: Reuters
Người phụ nữ đi ngang qua màn hình hiển thị thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tươi cười sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tại Tokyo, Nhật Bản ngày 29-11-2017. Ảnh: Reuters
Người đàn ông theo dõi thông tin về đường đi của tên lửa do Triều Tiên bắn qua màn hình tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
* Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức chỉ trích mạnh mẽ động thái của Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành họp khẩn về diễn biến mới nhất này. Ông Abe cũng khẳng định Nhật Bản sẽ gây áp lực tối đa lên Triều Tiên cùng với sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.
Hiện quân đội Mỹ tuyên bố vụ phóng này không tạo ra mối đe dọa đến khu vực Bắc Mỹ, các vùng lãnh thổ của Mỹ hay đồng minh.
Cùng ngày, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xử lý tình hình sau khi Triều Tiên phóng tên lửa. Ông cho biết đã có cuộc thảo luận dài với Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis về vụ việc. Về phần mình, Bộ trưởng Mattis cho biết tên lửa lần này "bay cao hơn những lần phóng trước đây" và gây ra "mối đe dọa về tên lửa với hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế".
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tuyên bố Washington cực lực chỉ trích vụ phóng này của Bình Nhưỡng, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Tillerson cũng cho hay "các lựa chọn ngoại giao vẫn còn để ngỏ" và Mỹ cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Dự kiến, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ có cuộc họp khẩn trong chiều 29-11 (giờ địa phương) để thảo luận về vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên.
Trước đó, vào ngày 28-11, nguồn tin Chính phủ Mỹ cho hay các chuyên gia trong chính phủ nước này nhận định Triều Tiên có thể tiến hành thêm một vụ thử tên lửa trong vòng vài ngày.
Trong khi đó, các quan chức tình báo Mỹ lưu ý Triều Tiên đã cố ý gửi đi những tín hiệu gây nhiễu về việc chuẩn bị các vụ thử hạt nhân và tên lửa, hòng che đậy việc chuẩn bị thực sự và để thử năng lực tình báo của Mỹ và các đồng minh về hoạt động của Bình Nhưỡng.
Cũng trong ngày 28-11, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đang ở trong tình trạng báo động sau khi thu được các tín hiệu vô tuyến cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo.